Vượt Qua Cảm Xúc Tiêu Cực Khi Giao Dịch Ngoại Hối

Tiến sĩ Brett Steenbarger là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về tâm lý giao dịch. Ông cũng từng đào tạo các nhà quản lý đầu tư và nhà giao dịch trong nhiều tổ chức tài chính để giúp họ cải thiện hiệu suất.

Vượt Qua Cảm Xúc Tiêu Cực Khi Giao Dịch Ngoại Hối
Vtrade_Admin

02:28, 02/06/2021

444

VIEW

Tiến sĩ Brett Steenbarger là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về tâm lý giao dịch. Ông cũng từng đào tạo các nhà quản lý đầu tư và nhà giao dịch trong nhiều tổ chức tài chính để giúp họ cải thiện hiệu suất. Ông thường đưa ra những lời khuyên về cách vượt qua những cảm xúc có tác động nguy hiểm nhất khi giao dịch và cách đối phó với những cảm xúc đó sao cho bài bản nhất.

Cách đây một thời gian, vị tiến sĩ này từng làm việc với một nhà giao dịch và từng nhìn qua số liệu thống kê lãi lỗ của anh ta. Việc cập nhật và lưu trữ số liệu thống kê giao dịch là một thói quen rất hay. Tần suất giao dịch có lãi và không sinh lãi cũng như hiệu suất tổng thể trong toàn bộ quãng thời gian giao dịch nói lên rất nhiều điều về hoạt động giao dịch của bạn và yếu tố tâm lý liên quan.

Nhà giao dịch này có một đặc điểm rất riêng khi anh ta chỉ chủ trương “thắng nhỏ và lỗ nhỏ”. Anh đặt ra mức giới hạn thua lỗ hàng ngày và anh ta chưa bao giờ chạm đến giá trị này.

Khi vị tiến sĩ nghiên cứu sâu hơn về lược sử giao dịch, ông phát hiện ra rằng nhà giao dịch này có mức mục tiêu lợi nhuận và cắt lỗ cụ thể cho mỗi lệnh giao dịch. Cách làm này cũng khá tốt vì nhà giao dịch đã đặt ra giới hạn tổn thất mỗi ngày. Bằng cách thiết lập các điểm dừng lỗ, nhà giao dịch đã tự cho mình được phép mắc sai lầm và cũng đồng thời có cơ hội tiếp tục giao dịch nếu lệnh sinh lời hiệu quả.

 

Vấn đề nằm ở đâu?

 

Sau khi phân tích kết quả, họ nhanh chóng nhận thấy rằng nhà giao dịch hiếm khi cho phép lệnh bị âm đến gần mức cắt lỗ và hiếm khi chạm được mức mục tiêu lợi nhuận. Anh ta nhanh chóng sửa mức dừng lỗ khi thị trường đi ngược hướng mong muốn, và cũng nhanh chóng sửa mức chốt lời khi bảng báo giá đi theo đúng hướng.

Tóm lại, nhà giao dịch này đặt lệnh với tâm lý nơm nớp lo sợ. Khi sợ thua lỗ, anh ta nhanh chóng thoát lệnh và khi sợ mất lợi nhuận, anh lại sửa mức chốt lời. Theo thời gian, phong cách giao dịch của anh trở nên quá “vụn vặt”, hay nói cách khác, trở thành một thứ công việc vô nghĩa và kém hứa hẹn, có làm cũng như không làm. Ở góc độ tâm lý, anh ta đã liên tục bị nỗi sợ hãi chi phối.

Khi hành động dựa trên một cảm xúc nào đó quá nhiều, con người sẽ ngày càng gia tăng cường độ cảm xúc đó. Nếu hành động dựa trên nỗi sợ hãi, con người sẽ gia tăng nỗi sợ hãi. Nếu hành động dựa trên nỗi thất vọng, con người sẽ thất vọng ngày càng nhiều. Rất có khả năng sau khi đóng hết lệnh giao dịch này đến lệnh giao dịch khác với tâm lý sợ hãi thường trực, nhà giao dịch trên đã không bao giờ còn cảm thấy tự tin vào những quyết định của mình.

Có một quy luật tâm lý quan trọng đó là bất kỳ ai cũng có thể vượt qua nỗi sợ hãi một khi dám đối mặt trực tiếp với chúng. Nếu bạn ngại ra ngoài đường, bạn sẽ không thể nâng cao độ tự tin bằng cách ngồi lì ở trong nhà. Bạn cần phải đón nhận nỗi sợ và rút ra từ kinh nghiệm của bản thân rằng sẽ không có điều gì phát sinh đến nỗi quá khủng khiếp mặc dù sẽ có những rủi ro bất lợi nhất định. Nói cách khác, việc nâng cao tâm lý tự tin không chỉ bắt nguồn từ những thành công mà sự tự tin xuất phát từ những lần bạn thất bại và nhận ra rằng dù vấp ngã thì bạn cũng có thể đứng dậy.

Đến đây, việc sử dụng hình ảnh trực quan là vô cùng hữu ích. Hãy thử tưởng tượng lệnh giao dịch của bạn đang ở vị thế lãi nhưng rồi đảo chiều về hướng ngược lại, sau đó rèn luyện tinh thần bằng cách nghĩ ra phương án đối phó với tình huống này. Nếu bạn lặp đi lặp lại tình huống tương tự trong tâm trí, chúng sẽ trở thành thói quen và không có gì quá ghê gớm nữa. Điều này giúp nâng cao sự tự tin bởi vì khi đó bạn có thể tự nhủ với bản thân rằng mình có thể thất bại và sau đó có thể vực dậy trở lại bình thường.

Lưu ý rằng khi áp dụng phương pháp quán tưởng như trên, bạn sẽ duy trì trạng thái tự ý thức, liên tục đưa tâm trí rơi vào những tình huống “tồi tệ”. Nếu thực tập đủ nhiều, bạn sẽ có khả năng tự nhận thức rất nhạy bén theo thời gian thực. Kết quả từ việc luyện tập với hình ảnh trực quan sẽ đi liền với quá trình giao dịch thực tế.

Nhà giao dịch trong tình huống nêu trên đã học được cách soi xét lại về nỗi sợ hãi. Ngay khi nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu nếu cứ giữ thói quen cũ, anh ta đã từ bỏ hẳn nỗi sợ. Nói cách khác, anh ấy đã thay đổi quan điểm của mình. Vấn đề không phải là mất tiền, mà thực tế là nỗi sợ mất tiền đã trở thành vật chướng ngại cản trở việc kiếm tiền! Ở trạng thái tự ý thức, giờ đây anh ta đã nhìn nhận rất khác về tình cảnh của mình, và như vậy anh đã chuyển sang phong cách giao dịch hoàn toàn khác.

 

Vượt qua nỗi thất vọng 

 

Thông thường, nỗi thất vọng có thể khiến nhà giao dịch cảm thấy mất cân bằng và làm đổ bể các kế hoạch giao dịch, kể cả quản lý rủi ro. Khi giao dịch không hiệu quả, hoặc khi bỏ lỡ những cơ hội tốt, nhiều người sẽ cảm thấy tức giận và thất vọng. “Cầu bất đắc, khởi sân tâm”, con người thường nảy sinh tâm lý thất vọng khi mong cầu quá nhiều nhưng không đạt được. Chẳng hạn, không mấy ai có thể kìm nén được nỗi thất vọng khi sắp bước vào một cuộc phỏng vấn quan trọng mà lại bị kẹt xe.

 

Hai phương pháp giúp vượt qua nỗi thất vọng:

 

1. Phương pháp hành vi: bao gồm các bài tập thư giãn/quán tưởng, phản hồi sinh học và thiền định. Thông qua các phương pháp này, bạn sẽ học được cách nhận biết các dấu hiệu thất vọng khi tâm ý bắt đầu khởi niệm (ý nghĩ xấu xa, kích thích sinh lý, v.v.).

Sau đó, bạn cần luyện cách tránh vướng phải những sự việc gây thất vọng và thực hiện các bài tập giúp bình tĩnh và cần tập trung cao độ. Ví dụ, trong thiền định, bạn có thể làm chậm nhịp thở và thở sâu, đều đặn hơn trong khi tập trung trí óc vào một hình ảnh tĩnh lặng nào đó.

Khi bước vào trạng thái nhận thức và thể chất không vướng bận gì với cảm xúc thất vọng, bạn có thể kìm hãm cơn giận và ngăn không cho cảm xúc đó chi phối những hành động và quyết định của mình. Một trong những phương pháp hành vi hữu hiệu nhất là tưởng tượng ra những hình ảnh sinh động khi không giao dịch, tự vẽ ra các kịch bản trên thị trường có khả năng khiến bạn khó chịu.

Trong lúc bạn tưởng tượng ra những tình cảnh gây thất vọng đến từng chi tiết nhỏ nhất, bạn cũng đồng thời phải duy trì tâm thái an yên: thở chậm, sâu, tâm tư tĩnh lặng, v.v. Lặp đi lặp lại bài tập này sẽ giúp bạn gia tăng phản ứng bình tĩnh khi gặp một tình huống gây thất vọng trong cuộc sống thực tại. Mấu chốt chính là việc lặp đi lặp lại, giúp bạn phát triển tâm thái bình tĩnh trở thành một phản ứng tự động đối với các tình huống không mang lại kết quả như mong muốn.

 

2. Phương pháp nhận thức: theo trường phái này, những suy nghĩ và trạng thái tâm hồn của con người chính là yếu tố kích hoạt các phản ứng cảm xúc. Như đã nêu ở trên, tâm lý thất vọng khởi sinh từ những mong cầu thái quá. Nếu bạn đặt kỳ vọng quá nhiều vào lệnh giao dịch của mình và bạn thực sự cần kiếm lãi thì bạn sẽ tự chuốc lấy thất vọng khi kết quả thực tế không như mong muốn.

Những cảm xúc mong cầu tương tự sẽ nảy sinh khi con người đặt cái tôi lên quá cao khi giao dịch (một phần “bản ngã” của con người dưới dạng “tôi” và tương tác với thế giới bên ngoài thông qua nhận thức), cao đến mức cảm xúc của con người dành cho chính bản thân mình cũng mang tính thăng trầm theo dòng tiền lãi lỗ.

Một trong những kỹ thuật mà bạn nên áp dụng đó là chỉ đặt lệnh ở quy mô vừa phải và xem khoản giao dịch đầu tiên như là một giả thuyết. Nếu giả thuyết không đúng, bạn có thể thay đổi mức dừng lỗ đôi chút và sử dụng thông tin này để thực hiện giao dịch theo hướng ngược lại.

 

Nếu xem ý tưởng giao dịch ban đầu là một giả thuyết chứ không phải là kết luận cuối cùng, bạn sẽ có thể chuẩn bị sẵn sàng về mặt tinh thần trong trường hợp mắc sai lầm và hoàn toàn có thể chấp nhận bị lỗ vì khoản tiền mất đi chỉ là chi phí để “mua” thông tin thị trường.

Quản lý rủi ro là một công cụ kiểm soát tâm lý thất vọng rất hữu hiệu. Không ai muốn mất quá nhiều vốn trong một ngày đến mức không thể quay trở lại giao dịch trong vòng một tuần. Cũng không ai muốn mất tiền nhiều trong vòng một tuần đến mức thậm chí không thể gượng dậy dù đã có một tháng giao dịch thành công. Khi nhìn nhận thua lỗ là thách thức, bạn có thể lấy lại động lực và từ đó tránh bị rơi vào trạng thái thất vọng.

 

Không ít người mong sao chỉ cần bỏ ra một số tiền rất nhỏ để giao dịch rồi thu về khoản lợi nhuận không tưởng, nếu thực sự đạt được như vậy cuộc sống của họ sẽ tươi đẹp biết bao, nhưng mong ước hão huyền chỉ mang lại cảm xúc bất mãn và thất vọng. Rất nhiều nhà giao dịch tập sự suốt ngày suốt tháng đều tơ tưởng rằng liệu họ có thành công với công việc đang làm hay không. Điều này thực chất chỉ càng làm gia tăng tâm lý căng thẳng, khiến họ mất đi phong độ nhất quán khi giao dịch.

Nhiều khả năng bạn sẽ đạt phong độ đỉnh cao đều đặn khi giao dịch nếu có thể duy trì tâm trí ổn định. Điều này có nghĩa là bạn phải chấp nhận những mất mát và thành tâm học hỏi, hãy xem những thất bại nhỏ là cơ hội để học hỏi, chứ không phải là mối đe dọa sống còn.

Thực hành các phương pháp hành vi và nhận thức có thể giúp bạn hình thành những thói quen tích cực, qua đó vượt lên trên nỗi thất vọng và cho phép bạn đủ minh mẫn để kiểm soát hoạt động giao dịch, như vậy sẽ không chỉ mang lại kết quả tốt đều đặn mà còn khiến bạn thỏa mãn cảm xúc, từ đó tránh nảy sinh tâm thái trống rỗng, thất vọng hay sợ hãi thường trực.

 

Bài viết liên quan

Cùng chủ đề

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.