Lạm phát đã ở đây, lạm phát sẽ ở lại

Hồi tháng 8 năm 1942, các trận chiến đã diễn ra trên khắp châu Âu và quân đội Hoa Kỳ vừa đổ bộ lên Guadalcanal. Tuy nhiên, những người Mỹ ở quê nhà lại có nhiều điều hơn để lo nghĩ: “Mọi người đều lo lắng về lạm phát,” Barron’s viết.

Lạm phát đã ở đây, lạm phát sẽ ở lại
Vtrade_Admin

09:54, 06/01/2022

467

VIEW

Hồi tháng 8 năm 1942, các trận chiến đã diễn ra trên khắp châu Âu và quân đội Hoa Kỳ vừa đổ bộ lên Guadalcanal. Tuy nhiên, những người Mỹ ở quê nhà lại có nhiều điều hơn để lo nghĩ: “Mọi người đều lo lắng về lạm phát,” Barron’s viết.

 

Ngày nay, đại dịch coronavirus đang gieo rắc tai ương trên khắp thế giới và mọi người cũng “đều lo lắng về lạm phát”. Trên thực tế, như các tiêu đề tin tức và các bài phát biểu chính trị từ thế kỷ trước cho chúng ta biết, nỗi lo lạm phát luôn ở bên chúng ta, và vì những lý do chính đáng.

Lạm phát — sự suy giảm sức mua của đồng tiền do giá cả tăng cao — đã đóng một vai trò trung tâm trong tất cả các giai đoạn tồi tệ nhất của nền kinh tế Hoa Kỳ. Lạm phát đã khiến các gia đình lo lắng không biết họ có thể dè xẻn đồng lương của mình đến mức nào và tạo ra gánh nặng cho các công ty với chi phí cung ứng và tiền lương ngày càng tăng. Lạm phát có thể đẩy các nền kinh tế vào suy thoái và khủng hoảng.

Lạm phát đã xảy ra với chúng ta kể từ trước khi Hoàng Đế Nero phá giá đồng tiền La Mã bằng cách giảm khối lượng bạc trong mỗi đồng tiền và đúc nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, tất cả những kinh nghiệm chúng ta có về lạm phát vẫn không thể giúp chúng ta đưa ra biện pháp khắc phục nào bảo đảm. Vì lẽ đó, mối quan ngại về lạm phát vẫn luôn ẩn hiện ở một góc nào đó của nền kinh tế.

Hoa Kỳ đã trải qua ba giai đoạn siêu lạm phát trong thế kỷ 20: một giai đoạn sau mỗi cuộc chiến tranh thế giới và giai đoạn Đại lạm phát vào những năm 1970. Giai đoạn đầu tiên, trùng với Thế chiến I, là giai đoạn khốc liệt nhất.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động, từ tháng 12 năm 1916 đến tháng 6 năm 1920, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hoa Kỳ đã tăng với tốc độ 18,5% mỗi năm. Những người lính trở về nhà đã nhận thấy giá cả cao hơn 80% so với khi họ rời đi, nhưng tiền lương đã không tăng theo tương ứng.

 

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1920, ngay cả khi Hoa Kỳ tranh luận về việc gia nhập Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc), vấn đề lớn nhất là “chi phí sinh hoạt, thứ làm lu mờ tất cả những vấn đề khác,” The Wall Street Journal viết.

Bất chấp một số biện pháp kiểm soát giá lộn xộn được ban hành, tình trạng siêu lạm phát chỉ kết thúc bằng một đợt giảm thẳng đứng của giá cả. Chỉ số giá tiêu dùng đã giảm 15,8% trong giai đoạn từ tháng 6 năm 1920 đến tháng 6 năm 1921, và Hoa Kỳ đã rơi vào tình trạng suy thoái.

Trải nghiệm đó vẫn còn nguyên trong ký ức của nước Mỹ khi chiến tranh trở lại một lần nữa. Tổng thống Franklin Roosevelt, “không có thời gian để chờ đợi Quốc hội hành động” theo Barron’s, đã thành lập Văn phòng Quản lý Giá cả (OPA) vào năm 1941, ngay trước khi trận chiến Trân Châu Cảng nổ ra và kéo nước Mỹ vào cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

OPA đã giới hạn chi phí của nhiều mặt hàng và phân bổ các mặt hàng khác, bao gồm giày dép, xăng dầu, cà phê và thịt. Sự hy sinh chia sẻ này đã phát huy tác dụng. Chỉ số CPI đã giảm từ mức 10,9% vào năm 1942 xuống 6%, 1,6% và 2,3% lần lượt trong ba năm tiếp theo.

Tuy nhiên, sự hy sinh đó cũng đã tạo ra “khoảng cách lạm phát” 36 tỷ USD, như Barron’s đã viết vào năm 1944 về số tiền mà người Mỹ đã có thể tiết kiệm. Khi đó, tờ báo này đã lưu ý: “Những người lao động từng uống bia trong chiến tranh hiện thấy họ có thể mua được rượu whisky.”

Khi các biện pháp kiểm soát được dỡ bỏ vào năm 1946, lượng tiền mặt đó đã tràn trở lại vào nền kinh tế và giá cả đã tăng chóng mặt; chi phí thực phẩm đã tăng gấp đôi vào tháng 8 năm 1948. Sau đó, cũng như hồi năm 1920, giá cả đã giảm xuống và nền kinh tế chậm chạp tiến vào suy thoái. Tuy nhiên, giai đoạn này đã không kéo dài và mở ra một giai đoạn tăng giá khiêm tốn, chủ yếu là tích cực cho đến giai đoạn Đại lạm phát.

Vào năm 1964, khi giá cả chỉ tăng 1,3%, đã có “những thảo luận liên tục về lạm phát”, cho rằng nó “gợi nhớ đến việc một gia đình hủy chuyến đi dã ngoại khi mặt trời ló dạng vì thứ gì đó trong xương cho họ biết trời sắp mưa,” theo New York Times.

Và cơn mưa đã sớm ập đến với giai đoạn 1968-83 được mệnh danh là giai đoạn Đại lạm phát. Chỉ số CPI đã tăng 186% trong những năm đó, tương đương 7,3% mỗi năm. Nhưng chiến tranh không phải là thủ phạm lần này. “Nguồn gốc của cuộc Đại lạm phát”, theo một bản kiểm điểm của Cục Dự trữ Liên bang, “là các chính sách cho phép lượng cung tiền tăng quá mức.”

0106_vtrade_huanha_magazine_chart1.png

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 186% từ năm 1968 đến năm 1983

Sai lầm của Fed đã đến từ niềm tin vào đường cong Phillips, một lý thuyết cho rằng “tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn vĩnh viễn có thể được ‘mua’ bằng tỷ lệ lạm phát cao hơn một cách khiêm tốn.” Lý thuyết này đã bị bác bỏ vào những năm 1970 bởi sự xuất hiện của lạm phát đình trệ (đình lạm, stagflation), một thời kỳ tăng trưởng thấp với cả lạm phát và thất nghiệp tăng cao.

Các biện pháp kiểm soát tiền lương và giá cả của chính quyền Nixon đã tỏ ra không được ưa chuộng, đặc biệt là đối với tầng lớp doanh nhân — “Sai lầm lớn”, như Barron’s đã gọi chúng vào năm 1973 — và không hiệu quả. Đây là lần cuối cùng chiến lược đó được sử dụng để chống lại lạm phát.

 

Đáng ghi nhớ là khi Tổng thống Gerald Ford phát động chiến dịch “Whip Inflation Now” vào năm 1974. Với các nút WIN, chiến dịch này đã đưa ra “những lời khuyên thận trọng, không gây tranh cãi”, Barron’s viết, chẳng hạn như “cân bằng ngân sách gia đình của bạn, giảm nhiệt độ máy điều hòa, mua sắm giá rẻ.” Chiến dịch này cũng đã thất bại.

Chính quyền của Carter đã rối loạn bởi tình trạng kinh tế bất ổn, nhưng việc Paul Volcker được bổ nhiệm làm Chủ tịch Fed đã báo hiệu sự kết thúc của chu kỳ Đại lạm phát. Ông đã thắt chặt nguồn cung tiền và tăng lãi suất quỹ liên bang, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên hơn 10% và đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Lạm phát sau đó đã đạt đỉnh vào năm 1980 và có xu hướng giảm xuống trong nhiều thập kỷ tiếp theo.

Không chỉ giai đoạn Đại lạm phát đã kết thúc, mà kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-09, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã cố gắng và vẫn không thể tăng lạm phát lên mức 2%, một con số tương đối nhỏ. Thế giới lãi suất thấp này dường như là một thế giới bình thường mới - cho đến khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Chúng ta có thể dập tắt lạm phát ngay bây giờ không? Cuốn phim quay về những năm 1980 cho thấy Fed đã có các công cụ để chế ngự giá cả đang tăng lên, ngay cả khi suy thoái là cái giá phải trả. Dĩ nhiên là phương pháp chữa trị Volcker có thể sẽ tỏ ra vô dụng trước lần xuất hiện tiếp theo của lạm phát giống như đường cong Phillips đã không có tác dụng trước lần lạm phát gần nhất.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên bắt đầu lo lắng.

 

Huân Hà - Theo barrons.com

Đọc thêm: Tiền điện tử có cứu được giá cổ phiếu đang lao dốc của Robinhood?

Bài viết liên quan

Cùng chủ đề

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.