Kinh tế toàn cầu 2023: các ngân hàng trung ương sẽ phải chiến đấu với lạm phát giữa các trở ngại chính trị

Một số nền kinh tế lớn nhất thế giới – và các ngân hàng trung ương của họ – phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong năm nay: kiềm chế lạm phát thông qua lãi suất cao hơn mà không dẫn đến suy thoái kinh tế.

Kinh tế toàn cầu 2023: các ngân hàng trung ương sẽ phải chiến đấu với lạm phát giữa các trở ngại chính trị
Vtrade_Admin

09:25, 07/01/2023

168

VIEW

Một số nền kinh tế lớn nhất thế giới – và các ngân hàng trung ương của họ – phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong năm nay: kiềm chế lạm phát thông qua lãi suất cao hơn mà không dẫn đến suy thoái kinh tế.

vtrade

Dù muốn hay không, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Anh và các ngân hàng trung ương khác cũng đang bị đẩy vào trung tâm của một cuộc tranh luận chính trị có thể đe dọa đến sự độc lập cũng như khả năng của họ trong việc hành động dứt khoát để kiềm chế đà tăng của vật giá.

Và trong bối cảnh hiện tại, có hai cách chính mà chính trị có thể can thiệp vào các kế hoạch của ngân hàng trung ương trong năm 2023.

Thách thức từ lạm phát

Lạm phát cao có lẽ là thách thức lớn nhất mà nền kinh tế thế giới phải đối mặt trong năm nay.

Lạm phát đã tăng nhanh và hiện đang ở mức đỉnh hoặc gần đỉnh trong nhiều thập kỷ tại hầu hết các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu. Lạm phát cao ngất ngưởng đã khiến mức sống của nhiều quốc gia bị đình trệ hoặc suy giảm. Điều này đặc biệt gây tổn hại cho những người nghèo nhất, những người phải chịu tỷ lệ lạm phát cao hơn so với dân số tổng thể vì họ chi tiêu một tỷ lệ lớn hơn trong thu nhập của mình cho thực phẩm và năng lượng.

Lạm phát tăng mạnh đã khiến các ngân hàng trung ương bất ngờ sau hai thập kỷ lạm phát thấp và ổn định. Các ngân hàng trung ương đã phản ứng bằng cách mạnh tay tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2022, dẫn đầu là Fed. Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất thêm 4,25 điểm phần trăm trong khoảng thời gian sáu tháng cuối năm. Ngân hàng Anh, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và các ngân hàng khác cũng đã theo bước cơ quan của Mỹ.

Chiến lược của các ngân hàng dường như đang mang lại kết quả. Lạm phát ở Mỹ đã chậm lại. Ở Anh và khu vực đồng tiền chung châu Âu, dữ liệu gần đây cũng cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh – mặc dù vẫn rất cao, khoảng 10% – và có thể bắt đầu có xu hướng giảm xuống.

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất – được dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2023, mặc dù với tốc độ chậm hơn – có thể làm mờ thêm nữa triển vọng tăng trưởng kinh tế vốn đã có vẻ ảm đạm của các nền kinh tế phát triển.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán, vào năm 2023, cả Mỹ và khu vực đồng euro đều sẽ chỉ tăng trưởng 0,5%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong lịch sử. Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, thậm chí sẽ thu hẹp đến 0,3%. Tại Vương quốc Anh, Ngân hàng Anh dự đoán nền kinh tế sẽ tiếp tục sa sút cho đến giữa năm 2024.

Chi tiêu tài khóa và lạm phát

Điều đó đưa chúng ta đến vấn đề chính trị đầu tiên có thể làm đảo lộn kế hoạch của các ngân hàng trung ương: chi tiêu của chính phủ.

Tình hình chính trị thế giới đang diễn ra theo những cách khác nhau. Tại Mỹ, chi tiêu đã tăng lên đáng kể, đáng chú ý nhất là với dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD được ký thành luật vào cuối năm 2021 và dự luật ngân sách 1,7 nghìn tỷ USD được thông qua vào tháng 12.

Loại chính sách tài khóa mở rộng này – có thể được áp dụng trong nhiều năm – đi cùng với rủi ro làm suy yếu nỗ lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương như Fed. Khi các ngân hàng trung ương tìm cách giảm lạm phát bằng cách kiềm chế nhu cầu, việc chính phủ chi tiêu nhiều hơn sẽ có tác dụng ngược lại. Điều này có thể buộc Fed và các ngân hàng trung ương khác tăng lãi suất thậm chí cao hơn mức mà họ đáng ra cần làm.

Tại châu Âu và Vương quốc Anh, các chính phủ đã buộc phải chi hàng tỷ đô la để trợ cấp cho hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng và doanh nghiệp, trong khi suy thoái kinh tế làm giảm doanh thu từ thuế của họ, dẫn đến thâm hụt ngân sách công cao hơn.

Tuy nhiên, tại Vương quốc Anh, chính phủ đảng Bảo thủ đã ưu tiên cho cuộc chiến chống lạm phát. Họ đã tuyên bố sẽ cắt giảm trợ cấp năng lượng cho người tiêu dùng, tăng thuế và cắt giảm thêm chi tiêu công nếu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo – dự kiến diễn ra vào năm 2024. Mặc dù những hành động này có thể giúp giảm lạm phát, chúng không được ưa chuộng về mặt chính trị.

Ngân hàng Anh hiện đang bị chia rẽ về việc có nên tiếp tục tăng lãi suất hay không, và tốc độ tăng như thế nào.

Sự độc lập của ngân hàng trung ương bị đe dọa

Một vấn đề chính trị khác liên quan nhiều hơn đến sự tồn vong của các ngân hàng trung ương và khiến nhiệm vụ của họ trở nên rủi ro hơn.

Trong 20 năm qua, sự độc lập của các ngân hàng trung ương trước sự can thiệp của chính phủ và việc đặt ra các mục tiêu lạm phát tổng thể khoảng 2% đã giúp họ có được sự tín nhiệm trong việc chống lạm phát, vốn duy trì ở mức thấp lịch sử trong phần lớn thế kỷ 21.

Bây giờ cả uy tín và sự độc lập đó có thể đang bị đe dọa.

Các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở châu Âu, nhận thức sâu sắc về những lo ngại của công chúng đối với khả năng lãi suất cao hơn có thể kìm hãm tăng trưởng, một phần vì nền kinh tế của họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với Mỹ bởi cuộc chiến Ukraine. Trong khi đó, người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng bởi các khoản thanh toán thế chấp cao hơn. Điều này có thể bóp nghẹt thêm nữa thị trường nhà đất.

Đồng thời, những nỗ lực của ngân hàng trung ương nhằm thuyết phục người lao động không yêu cầu mức lương cao hơn để bù đắp cho lạm phát – điều sẽ giúp giảm nhu cầu tăng lãi suất nhiều hơn – đã phản tác dụng một cách ngoạn mục, đặc biệt là ở Anh, nơi làn sóng đình công của người lao động trong khu vực công không có dấu hiệu giảm bớt.

Căng thẳng chính trị kéo dài về vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã trở nên trầm trọng hơn bởi sự thành lập của các chính phủ cánh hữu ở một số quốc gia thuộc khu vực đồng euro.

Theo truyền thống, dưới ảnh hưởng của Bundesbank của Đức, Ngân hàng Trung ương châu Âu lo lắng về lạm phát hơn các ngân hàng trung ương khác. Dưới áp lực chính trị cạnh tranh, ngân hàng châu Âu đã hành động chậm hơn so với một số ngân hàng trung ương khác trong việc từ bỏ chính sách lãi suất thấp – và thậm chí là lãi suất âm.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nơi Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bác bỏ mọi nỗ lực nhằm giảm thiểu sự tập trung vào lạm phát, áp lực chính trị có thể gia tăng từ cả cánh tả và cánh hữu, đặc biệt nếu Donald Trump trở thành ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa một lần nữa. Việc này sẽ có thể khiến Quốc hội hoặc một chính quyền mới cố gắng thay đổi cách tiếp cận, vị trí lãnh đạo và thậm chí cả nhiệm vụ của ngân hàng trung ương.

Vùng đất chưa từng biết đến

Tất cả những điều này sẽ không thành vấn đề nếu dự đoán của ngân hàng trung ương về việc lạm phát giảm mạnh vào cuối năm 2023 được hiện thực hóa. Nhưng những dự đoán này dựa trên niềm tin giá năng lượng sẽ tiếp tục duy trì dưới mức đỉnh hoặc thậm chí còn giảm nhiều hơn nữa trong năm tới.

Cũng giống như năm 2022 – khi các ngân hàng trung ương không sớm nắm bắt được mối đe dọa lạm phát — những rủi ro khác nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, cũng như những diễn biến chính trị, có thể phá hỏng kỳ vọng của họ. Những rủi ro hiện tại bao gồm sự leo thang của cuộc chiến ở Ukraine (có thể khiến giá năng lượng tăng nhiều hơn nữa), nhiều vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng hơn từ Trung Quốc và các nỗ lực đòi lương cao hơn tại Mỹ.

Với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của công chúng ở nhiều nước phát triển, việc ấn định lãi suất đã không còn chỉ là vấn đề kỹ thuật mà đang mang tính chính trị rất cao. Cả chính phủ và ngân hàng trung ương đều đang bước vào “vùng đất chưa ai biết đến” trong nỗ lực kiềm chế lạm phát mà không kìm hãm tăng trưởng. Nếu dự đoán của họ được chứng tỏ là lạc quan quá mức, cái giá phải trả trên phương diện chính trị cũng như kinh tế có thể sẽ rất cao.

Tất cả những điều này có nghĩa là triển vọng lạm phát hiện rất không chắc chắn. Và những nỗi lo về lạm phát đình trệ kiểu những năm 1970 – lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế trì trệ – sẽ có thể trở thành hiện thực.

 

Huân Hà - Theo theconversation.com

Đọc thêm: Vàng đen tiếp tục khởi sắc sau một năm nhiều biến động

 

Bài viết liên quan

Cùng chủ đề

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.