Cơn sốt cổ phiếu AI: Triển vọng thực sự hay chỉ là bong bóng?

Cơn sốt cổ phiếu AI: Triển vọng thực sự hay chỉ là bong bóng? Nhu cầu gia tăng về trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến giới đầu tư đổ xô vào các cổ phiếu liên quan đến AI, đẩy giá trị vốn hóa của Nvidia (NASDAQ:NVDA) có lúc vượt mốc ngàn tỉ đô la Mỹ. Cơn sốt này liệu có tiềm ẩn rủi ro bong bóng tài chính?

Cơn sốt cổ phiếu AI: Triển vọng thực sự hay chỉ là bong bóng?
Vtrade_Admin

03:50, 14/06/2023

119

VIEW

Cơn sốt cổ phiếu AI: Triển vọng thực sự hay chỉ là bong bóng?

Nhu cầu gia tăng về trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến giới đầu tư đổ xô vào các cổ phiếu liên quan đến AI, đẩy giá trị vốn hóa của Nvidia (NASDAQ:NVDA) có lúc vượt mốc ngàn tỉ đô la Mỹ. Cơn sốt này liệu có tiềm ẩn rủi ro bong bóng tài chính?

 

Bầu không khí phấn khích với Nvidia và các cổ phiếu AI

Những làn sóng đổi mới thường tạo ra những người khổng lồ, chẳng hạn như Microsoft (NASDAQ:MSFT) với sự bùng nổ của máy tính để bàn, hay Apple (NASDAQ:AAPL) với cơn sốt điện thoại thông minh. Và giờ đây, AI được kỳ vọng có thể là bước chuyển đổi công nghệ lớn tiếp theo, thay đổi hoàn toàn cách thức vận hành của các doanh nghiệp và hoạt động của xã hội.

Sự phấn khích đã bùng nổ kể từ hồi tháng 11 năm ngoái, sau khi hãng công nghệ OpenAI được hậu thuẫn bởi Microsoft giới thiệu với công chúng ChatGPT. Công cụ chatbot AI này sau đó đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu, và cán mốc 100 triệu người dùng chỉ sau hai tháng ra mắt – tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử.

Được thúc đẩy bởi thành công này, hàng loạt hãng công nghệ lớn từ Mỹ cho tới Trung Quốc đã lần lượt tung ra các sản phẩm với những tính năng tương tự. Nhận xét về cơn sốt AI này, ông Jensen Huang, Chủ tịch nhà sản xuất chip AI Nvidia, đã bày tỏ sự lạc quan về “một kỷ nguyên máy tính mới”.

Theo báo cáo vừa được BofA Global Research công bố hôm thứ Sáu tuần trước (2-6), trong tuần tính đến ngày thứ Tư (31-5), dòng vốn đổ vào các cổ phiếu đạt 14,8 tỉ đô la Mỹ, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 2. Trong đó, có tới 8,5 tỉ đô la nhắm vào các cổ phiếu công nghệ – một con số cao kỷ lục.

Bùng nổ hơn cả, chắc chắn phải kể đến Nvidia. Cổ phiếu của nhà sản xuất chip này đã tăng 30% chỉ trong ba phiên giao dịch, và có thời điểm mức giá trị vốn hóa thị trường của công ty này lên trên 1.000 tỉ đô la, tăng gần 170% kể từ đầu năm.

Cổ phiếu Nvidia cùng với cổ phiếu một nhóm các công ty công nghệ lớn khác, bao gồm Apple, Microsoft, Alphabet, Amazon (NASDAQ:AMZN), Meta và Tesla (NASDAQ:TSLA) đang được coi là động lực chủ chốt cho đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ giữa lúc nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn.

Những lo ngại về nguy cơ bong bóng

Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy bị thuyết phục bởi những viễn cảnh lạc quan về Nvidia hay rộng hơn là cơn sốt trong lĩnh vực AI. Đà tăng mạnh mẽ được thúc đẩy bởi một số ít cổ phiếu đang khiến nhiều người lo ngại về sức khỏe thực sự của toàn thị trường. Nguy cơ biến động lớn là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu cơn sốt AI bất ngờ hạ nhiệt, và các nhà đầu tư quyết định rời bỏ những cổ phiếu mà họ từng săn lùng.

Chia sẻ với CNBC, chuyên gia kinh tế David Rosenberg cho biết, sự bùng nổ của cổ phiếu AI trong thời gian qua là “rất kỳ lạ”, và “quá mức”; “không còn gì phải nghi ngờ nữa, chúng ta đang đối mặt với bong bóng giá cổ phiếu”.

Một mô hình nghiên cứu của David Trainer – nhà sáng lập Công ty Nghiên cứu đầu tư New Constructs, cũng cho thấy rằng, với giá cổ phiếu như hiện nay, Nvidia sẽ cần phải đạt mức tăng doanh thu hàng năm là 20% trong vòng 20 năm tới để thưởng cho các nhà đầu tư của mình. “Đây là một mức giá quá ảo tưởng”, ông Trainer chia sẻ với Fortune, sau khi chứng kiến giá trị của Nvidia tăng vọt.

Trong khi đó, Công ty Nghiên cứu đầu tư TS Lombard lại cho rằng, “mặc dù sự bùng nổ của cổ phiếu AI trong những tuần qua có tiềm ẩn dấu hiệu của một bong bóng công nghệ, chúng ta hiện vẫn chưa rơi vào tình trạng đó, ít nhất là vào thời điểm hiện tại”.

Theo các chuyên gia của TS Lombard, có ba yếu tố để hình thành nên một bong bóng trên thị trường chứng khoán, bao gồm một câu chuyện có nền tảng vững chắc ở thời điểm hiện tại, một triển vọng hấp dẫn về sự phát triển trong tương lai, cuối cùng là thanh khoản và đòn bẩy. Trong khi sự cường điệu xung quanh AI và tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này đã đáp ứng hai tiêu chí đầu tiên trong danh sách kể trên, yếu tố thứ ba là thanh khoản và đòn bẩy vẫn còn thiếu.

Triển vọng bùng nổ của cơn sốt AI và Nvidia

Những kỳ vọng lạc quan kể trên là có cơ sở, nếu xét đến các dự báo về tiềm năng tăng trưởng to lớn của các công cụ AI tạo sinh như ChatGPT.

Hồi đầu năm nay, một nhóm nhà phân tích của Ngân hàng UBS, đứng đầu là chuyên gia Lloyd Walmsley, dự báo thị trường dành cho AI tạo sinh cực kỳ lớn và có thể dễ dàng “vượt mốc giá trị 1.000 tỉ đô la”. Chuyên gia phân tích Vivek Arya tại Bank of America cũng nhận định các công cụ AI tạo sinh có thể khiến giá trị thị trường chip AI tăng thêm 20 tỉ đô la/năm vào năm 2027.

Và theo The Economist, trong bức tranh đầy lạc quan đó, chính Nvidia – chứ không phải doanh nghiệp nào khác, được coi là có vị thế thuận lợi hơn cả. Công ty này đang sở hữu một vị thế tuyệt vời, nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi là thiết kế chip hiệu suất cao.

Bên cạnh điều kiện thị trường thuận lợi, Nvidia cũng làm rất tốt công việc của mình. Với mỗi thế hệ chip mới, hiệu năng sản phẩm lại được cải thiện gấp nhiều lần. Nhờ đó, công ty hiện đang nắm giữ hơn 80% thị phần trên thị trường chip AI chuyên dụng.

Nvidia cũng đã sớm tính đến việc đầu tư vào hai lĩnh vực có thể giúp hãng củng cố vị thế số 1 của mình. Đầu tiên là công nghệ mạng hiệu năng cao. Các mô hình máy học AI đòi hỏi việc sử dụng đồng thời một lượng lớn các chip xử lý mạnh mẽ, có thể lên tới hàng ngàn. Những con chip này trao đổi dữ liệu trên các nền tảng mạng hiệu năng cao, được thiết kế riêng dành cho AI. Hiện Nvidia đang kiểm soát 78% thị trường này, nhờ việc mua lại Mellanox – một công ty có chuyên môn hàng đầu hồi năm 2019.

Một thế mạnh khác của Nvidia là kiến trúc điện toán CUDA, vốn rất phổ biến với các lập trình viên, và chỉ hoạt động với chip của công ty. Bằng cách cấp quyền truy cập miễn phí vào chip và phần mềm của mình cho một số nhà nghiên cứu AI, Nvidia đã thu hút, khuyến khích các công ty phát triển công nghệ sử dụng phần mềm của mình từ khá sớm so với các đối thủ.

Triển vọng tích cực này đã được minh chứng qua các số liệu kinh doanh thực tế của Nvidia. Trong báo cáo tài chính hàng quí công bố mới đây, Nvidia đã ghi nhận mức tổng doanh thu 7,1 tỉ đô la.

Tương lai vẫn còn để ngỏ cho cuộc đua AI

Theo các nhà phân tích, thậm chí ngay cả khi cơn sốt AI lắng dịu, công nghệ này chắc chắn vẫn sẽ hữu ích hơn tiền kỹ thuật số – một cơn sốt gần đây trong làng công nghệ.

Tuy nhiên, chuyên gia Cicione của TS Lombard cũng lưu ý, trong khi triển vọng về AI có vẻ hứa hẹn đối với các nhà đầu tư, họ cũng cần nhận thức được một thực tế rằng những người đi đầu không phải lúc nào cũng là người chiến thắng trong dài hạn, bằng chứng là sự bùng nổ và phá sản của các công ty công nghệ dot com trong quá khứ.

Điều này cũng sẽ đúng với cả Nvidia, bất chấp những lợi thế to lớn mà công ty này đang sở hữu so với các đối thủ cạnh tranh khác.

Đầu tiên, triển vọng hấp dẫn của ngành công nghiệp AI đang thu hút sự tham gia của ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh. Từ các công ty khởi nghiệp cho tới những nhà sản xuất chip lớn như AMD hay Intel (NASDAQ:INTC) đều muốn có một phần trong thị phần kinh doanh chip và mạng mà Nvidia đang chiếm ưu thế. Trong khi đó, những công ty khác trong lĩnh vực phần mềm độc quyền và nguồn mở, có thể làm suy yếu vị thế mà CUDA của Nvidia đang nắm giữ.

Thách thức lớn hơn cả có thể đến từ chính các khách hàng của Nvidia. Các đơn vị điện toán đám mây của cả Amazon và Alphabet đều đang thiết kế chip dành riêng cho hệ thống AI của họ. Cả hai đều là những hãng công nghệ với quy mô khổng lồ và ngân sách dồi dào, đủ khả năng cạnh tranh quyết liệt với Nvidia.

Bên cạnh đó, những quy định của chính phủ cũng đặt ra những thách thức lớn với Nvidia. Nhiều quan chức quản lý hiện đang tìm cách kiểm soát AI do lo ngại về những mối nguy hiểm mà công nghệ có thể gây ra cho xã hội và an ninh quốc gia. Hồi năm ngoái, Mỹ cũng đã hạn chế bán các loại chip hiệu suất cao và công cụ sản xuất chip tiên tiến cho các công ty Trung Quốc. Điều này đã làm giảm đáng kể doanh số bán hàng của Nvidia. Trong trường hợp công ty tiếp tục duy trì vị thế độc tôn trên thị trường, các chính trị gia sẽ càng có nhiều động lực để hành động hơn.

Bài viết liên quan

Cùng chủ đề

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.