Chứng khoán Trung Quốc rất rẻ nhưng bị nhiều thách thức che mờ triển vọng

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục u ám giữa nhiều quan ngại: Trung Quốc có thể bị Nga lôi vào cuộc chiến tại Ukraine; nhiều thành phố của Trung Quốc rơi vào tình trạng phong tỏa do số ca nhiễm Covid đạt mức cao chưa từng thấy kể từ đầu năm 2020; và cuối cùng, áp lực quy định pháp lý trở lại tiêu điểm chú ý với các tin tức cho biết Tencent Holdings có thể sẽ phải chịu một mức phạt kỷ lục.

Chứng khoán Trung Quốc rất rẻ nhưng bị nhiều thách thức che mờ triển vọng
Vtrade_Admin

08:19, 17/03/2022

312

VIEW

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục u ám giữa nhiều quan ngại: Trung Quốc có thể bị Nga lôi vào cuộc chiến tại Ukraine; nhiều thành phố của Trung Quốc rơi vào tình trạng phong tỏa do số ca nhiễm Covid đạt mức cao chưa từng thấy kể từ đầu năm 2020; và cuối cùng, áp lực quy định pháp lý trở lại tiêu điểm chú ý với các tin tức cho biết Tencent Holdings có thể sẽ phải chịu một mức phạt kỷ lục.

 

vtrade

 

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã giảm 5% vào thứ Hai, ngày 14 tháng 3. Đây là mức sụt giảm lớn nhất của chỉ số kể từ mùa xuân năm 2016. Những thách thức mới nhất đã tiếp tục xuất hiện sau sụt giảm trong tuần trước của các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) bắt đầu công bố danh sách các công ty có thể bị hủy niêm yết nếu họ không tuân thủ các yêu cầu về công bố thông tin kiểm toán trễ nhất là vào năm 2024.

Trung Quốc cũng đang đứng ở một vị trí địa chính trị khó khăn. Họ cố gắng công khai ủng hộ Nga và không gọi các hành động quân sự của Nga ở Ukraine là một cuộc xâm lược trong khi phải cố gắng không dính vào các lệnh trừng phạt của phương Tây. Cuối tuần qua, các quan chức Mỹ cho biết Nga đã yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ trước cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Yang Jiechi (Dương Khiết Trì) tại Rome. Cuộc họp đã làm sáng tỏ những rủi ro địa chính trị đang hiện hữu bên cạnh những áp lực kinh tế và quy định pháp lý ảnh hưởng tiêu cực đến chứng khoán Trung Quốc. Trong một lưu ý gửi khách hàng, Christopher Granville, một cựu quan chức ngoại giao của Anh tại Moscow, hiện là giám đốc điều hành tại công ty tư vấn vĩ mô TS Lombard, nhận thấy Trung Quốc đang cố gắng duy trì lập trường “chiến lược trung lập”.

Trong khi Trung Quốc có thể cung cấp hỗ trợ cho nền kinh tế Nga và tiếp tục giao dịch dầu, khí đốt, than, ngũ cốc và kim loại với Nga, Granville hy vọng nước này sẽ tránh xa các lệnh trừng phạt của phương Tây để không gây nguy hiểm cho các mối quan hệ kinh tế có giá trị của mình, đặc biệt là với châu Âu. “Có vẻ như không có khả năng chính quyền Biden sẽ mở một chiến dịch trừng phạt và chiến tranh thương mại mới chống lại Trung Quốc với lý do Trung Quốc đang duy trì hoạt động thương mại song phương thường xuyên với Nga đối với các hàng hóa mà Washington không muốn thiết lập và thực thi lệnh cấm vận toàn cầu đối với hoạt động xuất khẩu của Nga,” Granville viết trong một lưu ý gửi khách hàng.

Kịch bản đó có thể ngăn chặn một cuộc xung đột toàn cầu thậm chí còn tàn khốc hơn. Tuy nhiên, chứng khoán Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những thách thức khác, đặc biệt là những cổ phiếu Internet và những cổ phiếu được niêm yết tại Mỹ.

Trong 13 tháng qua, các cổ phiếu Internet của Trung Quốc đã giảm nhiều hơn so với sụt giảm của các công ty công nghệ Mỹ trong khoảng thời gian tương tự vào đầu năm 2000. Nhưng điều đó không giúp các công ty Internet Trung Quốc tăng điểm trong thời gian ngắn như Nasdaq vào năm 2000, theo Nicholas Colas, đồng sáng lập của DataTrek Research, trong một lưu ý gửi khách hàng vào tuần trước.

“Không công ty nào còn lợi thế để vượt qua đợt đàn áp pháp lý của chính phủ Trung Quốc đối với Big Tech.” Colas viết trong một lưu ý gửi khách hàng gần đây. “Tuy nhiên, những gì chúng ta có thể học được từ sự xì hơi của bong bóng dot com những năm 1990 là các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để tiếp tục giảm xuống.”

Các nhà quản lý Trung Quốc vẫn đang thắt chặt các quy định xung quanh lĩnh vực fintech. Tencent Holdings (700.Hong Kong) đang đối mặt với mức phạt kỷ lục tiềm tàng vì vi phạm chống rửa tiền liên quan đến mạng di động WeChat của họ, theo một báo cáo trên The Wall Street Journal, trích dẫn những nguồn thạo tin. Một thách thức khác mà chứng khoán Trung Quốc phải đối mặt là Covid. Các nhà hoạch định chính sách của quốc gia này đã tăng cường các hạn chế nghiêm ngặt ngừa Covid và các lệnh phong tỏa của họ đã lan sang Thượng Hải và Thâm Quyến, các cảng và trung tâm sản xuất quan trọng. Foxconn Technology Group - nhà cung ứng chính của Apple, và những công ty khác cũng đã phải tạm dừng hoạt động. Việc này có khả năng sẽ làm gián đoạn thêm chuỗi cung ứng vốn đang thắt chặt và gây áp lực lạm phát trên toàn thế giới.

“Chi phí kinh tế của việc kiểm soát Covid có thể cao hơn Bắc Kinh mong đợi”, Nhà phân tích Ernan Cui của Gavekal viết trong một lưu ý gửi khách hàng. Ông cho biết thêm rằng các địa phương lây nhiễm đã được báo cáo tại 26 trong số 31 tỉnh của Trung Quốc vào tuần trước. “Các biện pháp ngăn chặn tăng cường này sẽ là tin xấu đối với nền kinh tế tiêu dùng của Trung Quốc và nhiều doanh nghiệp nhỏ, vốn đã kiện sức sau mức chi tiêu tiêu dùng và du lịch đáng thất vọng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.”

Tình hình kinh tế Trung Quốc đã có vẻ ảm đạm từ trước, với dữ liệu tháng 2 cho thấy tăng trưởng tín dụng yếu hơn dự kiến. Và sự suy giảm hiếm hoi trong các khoản vay hộ gia đình không chỉ cho thấy một sự sụt giảm trong doanh số bán bất động sản mà còn cho thấy “tâm lý hộ gia đình đặc biệt yếu” theo một lưu ý từ nhóm kinh tế của Citigroup.

Tất cả những điều đó đã góp phần đẩy chứng khoán Trung Quốc chìm xuống, ngay cả khi chúng đã có vẻ rẻ mạt. Quỹ hoán đổi danh mục các cổ phiếu Trung Quốc iShares MSCI (MCHI) đã giảm 21% trong tháng vừa rồi.

Chứng khoán Trung Quốc hiện đang giao dịch ở mức thấp nhất trong 6 năm về mặt định giá, giao dịch ở mức giá dưới 10 lần thu nhập. Phần bù rủi ro vốn chủ sở hữu đối với MSCI Trung Quốc đang ở mức khoảng 9,5%, xung quanh mức đỉnh thiết lập trong đợt bùng phát của đại dịch Covid vào đầu năm 2020 cũng như trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vào cuối năm 2018, theo một lưu ý gửi khách hàng của giám đốc chiến lược Trung Quốc Kinger Lau của Goldman Sachs.

0317_vtrade_huanha_magazine_chart.png

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh sau khi các cơ quan quản lý của Mỹ đưa ra những đe dọa hủy niêm yết và Trung Quốc ban hành lệnh phong tỏa ngừa Covid trở lại.

Mặc dù phần bù rủi ro tăng cao phản ánh những lo ngại về sự lây lan của các lệnh trừng phạt từ Nga sang Trung Quốc, rủi ro phân cực tài chính giữa Trung Quốc và phương Tây cùng với rủi ro hủy niêm yết đối với các chứng chỉ lưu ký tại Mỹ (ADR), cũng như liệu tài sản của Trung Quốc có đáng đầu tư hay không, Lau, người vẫn có đánh giá tăng tỷ trọng đối với chứng khoán Trung Quốc, đã giảm mục tiêu P/E cho 12 tháng của chính ông xuống còn 12 lần.

Con số đó vẫn cho thấy chứng khoán Trung Quốc có thể đã chín muồi cho những người săn cổ phiếu giá hời. Tuy nhiên, vô số rủi ro tiềm ẩn có thể là lý do chính đáng để nhiều nhà đầu tư ngồi yên bên lề trong thời gian này.

 

Huân Hà - Theo barrons.com

Đọc thêm: Hướng dẫn đầu tư cổ phiếu Amazon: 3 lý do để mua trước khi phân tách

 

Bài viết liên quan

Cùng chủ đề

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.