Quy mô khổng lồ đã lỗi mốt như thế nào trong các doanh nghiệp Hoa Kỳ

Các công ty lớn của Hoa Kỳ đang phải đối mặt với mâu thuẫn trường kỳ giữa sức mạnh cộng hưởng và sự tập trung khi họ cố gắng đổi mới tổ chức của mình trước những thay đổi của nền kinh tế. Sức mạnh cộng hưởng là động lực đằng sau các thương vụ mua bán sáp nhập, tạo ra giá trị khi các nguồn lực và năng lực có thể được chia sẻ giữa các đơn vị kinh doanh. Nhiều thương vụ mua bán sáp nhập đã không đạt được mục tiêu này và sau đó bị thoái vốn.

Quy mô khổng lồ đã lỗi mốt như thế nào trong các doanh nghiệp Hoa Kỳ
Vtrade_Admin

08:34, 25/11/2021

505

VIEW

Các công ty lớn của Hoa Kỳ đang phải đối mặt với mâu thuẫn trường kỳ giữa sức mạnh cộng hưởng và sự tập trung khi họ cố gắng đổi mới tổ chức của mình trước những thay đổi của nền kinh tế. Sức mạnh cộng hưởng là động lực đằng sau các thương vụ mua bán sáp nhập, tạo ra giá trị khi các nguồn lực và năng lực có thể được chia sẻ giữa các đơn vị kinh doanh. Nhiều thương vụ mua bán sáp nhập đã không đạt được mục tiêu này và sau đó bị thoái vốn.

Mặc dù việc thoái vốn có thể diễn ra nhanh chóng, thường phải mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, để các giám đốc quản lý doanh nghiệp thừa nhận việc thiếu sức mạnh cộng hưởng. Chia tách một bộ phận kinh doanh ra khỏi công ty mẹ của nó có thể cho phép bộ phận đó tập trung nhiều hơn vào sứ mệnh cốt lõi của mình và tránh khỏi các chi phí của một tổ chức lớn.

Khi các công ty lớn tăng trưởng theo thời gian, họ sẽ cố gắng cân bằng các động lực mua bán sáp nhập và thoái vốn này để tạo ra sức mạnh cộng hưởng liên tục, biện minh cho nhu cầu quản lý doanh nghiệp và sự tồn tại của các công ty khổng lồ. Nhưng cuối cùng, họ đều có xu hướng đạt đến điểm mà cách tốt nhất để theo đuổi đổi mới là chia tách các bộ phận của mình, như chúng ta đã thấy gần đây với General Electric và Johnson & Johnson ở Hoa Kỳ và Toshiba ở Nhật Bản.

TraderHub

Trong nhiều thập kỷ kể từ khi thành lập, GE là bằng chứng cho thấy các tập đoàn có thể tạo ra giá trị ngay cả trong các nền kinh tế thị trường tiên tiến như Hoa Kỳ. Sự kế thừa của các CEO đã mang lại những cải tiến cho cơ cấu nhiều đơn vị bộ phận, giúp GE liên tục đổi mới chính mình và tăng trưởng thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập.

Dưới thời CEO Jeff Immelt, khả năng tạo ra đủ sức mạnh cộng hưởng để trang trải cho chi phí hoạt động của trụ sở chính của GE đã bắt đầu suy yếu. GE Capital, một nguồn sức mạnh cộng hưởng quan trọng bên trong nội bộ của GE, đã trở thành một khoản nợ phải trả khi cuộc Đại suy thoái của thị trường tài chính kéo dài và làm xuất hiện những rủi ro tiềm ẩn. Vì lẽ đó, Immelt đã thoái vốn khỏi các hoạt động kinh doanh dịch vụ tài chính và giải trí để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của GE là sản xuất công nghiệp.

Trái ngược với tập đoàn to lớn mà GE đã có trong những thập kỷ trước, Immelt đã định hình lại công ty để chỉ tập trung vào một số mảng kinh doanh công nghiệp lớn: tua-bin điện, sản xuất điện gió, động cơ phản lực và chăm sóc sức khỏe. Sự khác biệt giữa các hoạt động kinh doanh đã cho thấy rõ ràng động thái tiếp theo có thể sẽ là chia tách GE thành một số công ty độc lập.

Cuối cùng, động thái tái cấu trúc của Immelt đã không thể thành công đổi mới GE. Thách thức đó đã rơi vào tay Larry Culp, CEO lâu năm của Danaher, tập đoàn được cho là thành công nhất thế giới trong những năm gần đây. Ở cấp tổ chức cao nhất, GE đã chạm đến điểm mà lợi ích của việc chuyển các đơn vị kinh doanh thành các công ty độc lập vượt quá lợi ích cộng hưởng của việc giữ chúng lại trong một thực thể duy nhất. Vô số công ty đa dạng đã đạt đến điểm tương tự trong lịch sử phát triển của họ, bao gồm cả đối thủ lâu năm của GE ở châu Âu là Siemens.

Johnson & Johnson, giống như GE, cũng được thành lập từ hơn 100 năm trước. Nhưng không giống như GE, J&J chưa bao giờ là một công ty đa dạng hóa trên phạm vi rộng. Khởi đầu là một tập hợp các thương hiệu tiêu dùng, vào năm 1961, J&J đã mua lại Janssen Pharmaceuticals, bổ sung thêm mảng kinh doanh thuốc kê đơn cũng như một nhóm kinh doanh thiết bị y tế vào danh mục sản phẩm của công ty. Mặc dù các hoạt động kinh doanh thuốc và thiết bị y tế đã hưởng lợi rộng rãi từ thương hiệu J&J, chúng không bán trực tiếp cho người tiêu dùng và có lẽ quan trọng hơn, đòi hỏi đầu tư lớn cho R&D và phải tuân theo các quy định pháp lý. Do đó, những thách thức trong việc quản lý các hoạt động kinh doanh này khác với những thách thức đối với các thương hiệu tiêu dùng.

Nhận thức được thực tế này, J&J từ lâu đã duy trì một cấu trúc phi tập trung trao quyền tự chủ cho các bộ phận. Mặc dù không có nhiều sức mạnh cộng hưởng liên kết các bộ phận dược phẩm, thiết bị y tế và sản phẩm tiêu dùng, thương hiệu và danh tiếng của J&J đối với các sản phẩm sức khỏe chất lượng cao là đủ để kết nối các mảnh ghép này lại với nhau.

Tuy nhiên, những thay đổi môi trường gần đây đã làm thay đổi cán cân giữa lợi ích của sức mạnh cộng hưởng với sự tập trung. Hiện nay, cơ hội tăng trưởng mà bộ phận dược phẩm của J&J đang phải đối mặt vượt quá cơ hội của các bộ phận khác — mặc dù rủi ro về R&D và quy định pháp lý của bộ phận này cũng cao hơn.

Kết quả là sức mạnh cộng hưởng trong nội bộ J&J đang giảm dần trong khi lợi ích của sự tập trung có thể sẽ tăng lên. Một công ty dược phẩm độc lập sẽ có thể khai thác tốt hơn những thách thức phía trước. Trên thực tế, các đối thủ trong ngành dược phẩm của J&J như Merck, Pfizer và GSK đều đã thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh sản phẩm tiêu dùng của họ.

Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến ​​những trường hợp chia tách được thiết kế để đổi mới các công ty có tuổi đời hàng thế kỷ. Một ví dụ điển hình là sự hợp nhất/chia tách của DuPont và Dow, hai công ty trưởng thành đã hợp nhất vào năm 2017 và sau đó chia tách các đơn vị của họ thành ba bộ phận độc lập tập trung chuyên môn nhiều hơn. Giới phê bình vẫn chưa có ý kiến ​​về thành công của các công ty này. Nhưng có thể nói là những động thái tái cấu trúc như vậy hiện đã trở thành mốt và chúng ta đang quan sát thấy một xu hướng.

Có vô số yếu tố khác thúc đẩy các công ty chia tách. Các công ty nhỏ hơn có thể cho phép theo dõi quy trình quản lý và ra quyết định dễ dàng hơn. Phố Wall có xu hướng đánh giá cao các thực thể tập trung hơn với bội số định giá cao hơn, đặc biệt vì sự tập trung đó cho phép sứ mệnh và phương hướng của công ty được hiểu rõ dễ dàng hơn, và khi sự tập trung đó nằm trong một lĩnh vực được coi là có tiềm năng mở rộng nhanh hơn. Vai trò ngày càng lớn của vốn cổ phần tư nhân và dòng vốn trong nền kinh tế ngày nay cũng giúp các thực thể ít cần phải được cấp vốn nội bộ bởi công ty mẹ hơn so với trong quá khứ.

Cho đến nay, thế giới đầu tư đã ưu ái cho các công ty có tốc độ tăng trưởng vượt xa mức chuẩn bình thường. Nhưng ngay cả trong trường hợp của Amazon, đã có những khuyến nghị đơn lẻ yêu cầu công ty chia tách với bộ phận đám mây Amazon Web Services. Vô số thương vụ mua bán sáp nhập đã đến và đi dưới thời Alphabet, công ty mẹ của Google hầu như không tuân theo trọng tâm hướng vào quảng cáo của mình như cách mà công cụ tìm kiếm Google và dịch vụ video YouTube thực hiện. Và những khuyến nghị chia tách có thể sẽ xuất hiện nếu các bộ phận không phải cốt lõi khác tăng trưởng về quy mô và mức tăng trưởng chung của công ty mẹ bắt đầu thu hẹp lại.

Đã có một khoảng thời gian trong quá khứ khi các tập đoàn được coi là cấu trúc công ty tối ưu mặt định ở Hoa Kỳ để tạo dựng và nuôi dưỡng tăng trưởng. Các tập đoàn vẫn đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia châu Á, chẳng hạn như Hàn Quốc và Ấn Độ, nơi Samsung, LG, Tata và Reliance đang dẫn đầu thị trường nội địa với sự hiện diện rộng lớn trên thị trường thế giới. Mặc dù có thể có một thời điểm trong tương lai khi quy mô lớn trở lại thịnh hành ở Hoa Kỳ, sức mạnh của việc gia tăng thông tin và dòng vốn, yếu tố đã thúc đẩy xu hướng tập trung cao độ và các động thái chia tách, dường như sẽ không sớm giảm bớt.

Huân Hà - Theo barron.com

 

Bài viết liên quan

Cùng chủ đề

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.