Hướng Dẫn Chi Tiết Về Nghiên Cứu Cổ Phiếu

Nghiên cứu cổ phiếu chính là việc kết hợp nhiều nguồn thông tin, nhiều lối suy luận và chiến lược trong khi thị trường liên tục biến đổi. Các nhà giao dịch và đầu tư chứng khoán cần biết thông tin nào hữu ích, cũng như cách phân tích cổ phiếu nào hiệu quả và chính xác nhất.

Hướng Dẫn Chi Tiết Về Nghiên Cứu Cổ Phiếu
Vtrade_Admin

01:11, 25/08/2021

2,781

VIEW

Bài viết này xoay quanh các khía cạnh chính của quá trình nghiên cứu cổ phiếu:

  • Bắt đầu như thế nào
  • Hướng dẫn từng bước
  • Hộp công cụ nghiên cứu cổ phiếu
  • Cách nghiên cứu cổ phiếu: Kết luận
TraderHub

Bắt đầu như thế nào

Các nhà đầu tư thận trọng thường không ra quyết định đầu tư mà không nghiên cứu từ trước hoặc không tìm ra được lý do thuyết phục để mua cổ phiếu. Nhìn chung, nghiên cứu cổ phiếu bắt đầu bằng việc tìm hiểu ba khía cạnh sau của công ty:

  • Tình hình tài chính hiện tại
  • Ban lãnh đạo công ty hiện tại
  • Tầm nhìn và lộ trình tương lai

Nhiều nhà đầu tư không thể tìm ra sự tương đồng giữa các giá trị của công ty với các giá trị mà họ đang tìm kiếm, do đó họ khó có thể tìm ra khoản đầu tư đáp ứng tốt nhất các mục tiêu của mình. Hãy luôn để tâm đến chiến lược đầu tư của bạn và lý do bạn muốn đầu tư vào cổ phiếu. Đó sẽ là kim chỉ nam cho quá trình ra quyết định của bạn.

Hướng dẫn từng bước

Bên cạnh hiểu được vị trí hiện tại và tương lai của một công ty, nhà đầu tư cần xem xét các yếu tố sau để có thể đưa ra những quyết định phù hợp với chiến lược của mình và đạt được mục tiêu kỳ vọng:

  • Thời gian đầu tư
  • Mức độ rủi ro
  • Loại ngành/lĩnh vực hoạt động của cổ phiếu
  • Hiểu sản phẩm/dịch vụ của công ty
  • Báo cáo tài chính
  • Phân tích đối thủ và ngành
  • Theo dõi các chuyên gia trong ngành
  • Sử dụng nền tảng và thiết bị đầu cuối phục vụ nghiên cứu
  • Các loại lệnh trong đầu tư cổ phiếu
  • Phí môi giới

1. Thời gian đầu tư

Thời gian đầu tư rất quan trọng vì dựa vào đó, các nhà đầu tư có thể xác định chính xác loại cổ phiếu nào có thể phù hợp với mục tiêu của họ. Ví dụ, nhiều nhà đầu tư trẻ với khung thời gian dài dành cho đầu tư thường sẵn sàng chấp nhận một danh mục đầu tư có độ rủi ro cao hơn. Những danh mục đầu tư dạng này thường có sự hiện diện của các cổ phiếu tăng trưởng với mức định giá đắt đỏ hơn.

Do khoảng thời gian đầu tư dài hơn nên những nhà đầu tư này thường có thể chịu được những biến động lớn hơn trên thị trường. Điều ngược lại sẽ đúng đối với những nhà đầu tư có khoảng thời gian ngắn hơn (dưới năm năm). Những nhà đầu tư này ít có khả năng chịu đựng được rủi ro danh mục đầu tư của họ giảm mạnh về giá trị. Các biến động bất lợi trên thị trường có thể để lại hiệu ứng lâu dài cho những người sắp nghỉ hưu – những người cần sớm rút vốn khỏi danh mục đầu tư.

2. Mức độ rủi ro

Rủi ro thường gắn liền với thời gian đầu tư. Các nhà đầu tư dựa trên cả hai yếu tố này để xác định loại cổ phiếu nào họ nên đầu tư. Những người có khẩu vị rủi ro cao hơn thường thích những cổ phiếu tăng trưởng như Amazon hoặc Tesla. Trong khi đó, các nhà đầu tư e ngại rủi ro thường chuộng những cổ phiếu giá trị với hệ số P/E thấp hơn. Những cổ phiếu giá trị này có  định giá thấp và là những khoản đầu tư hấp dẫn về lâu dài.

Bất kể bạn theo đuổi phong cách đầu tư nào, bạn cần quản lý rủi ro thật tốt sao cho kiếm lời khi giá tăng, đồng thời giảm thiểu rủi ro khi giá giảm xuống.

3. Loại ngành/lĩnh vực hoạt động của cổ phiếu

Nhiều nhà đầu tư quen thuộc với một lĩnh vực nào đó sẽ thấy việc nghiên cứu cổ phiếu trong lĩnh vực đó dễ dàng hơn. Với vốn kiến thức hiểu biết về một ngành nghề/lĩnh vực nhất định, họ có thể đưa vào nghiên cứu các biến và sắc thái không thể tìm thấy trong bất kỳ báo cáo tài chính nào, nhờ đó nghiên cứu cũng sẽ chuyên sâu hơn. 

4. Hiểu sản phẩm/dịch vụ của công ty

Hiểu biết về sản phẩm/dịch vụ của công ty sẽ hỗ trợ bước phân tích đối thủ cạnh tranh sau này. Hãy xác định điều gì khiến cho sản phẩm/dịch vụ của một công ty trở nên độc đáo. Liệu chi phí có phải là một trong số đó? Câu trả lời sẽ giúp ích rất nhiều cho vệc dự báo tính cạnh tranh của sản phẩm/dịch vụ trong tương lai.

Nhiều công ty có cơ cấu sản phẩm/dịch vụ đa dạng, khi đó bước này càng trở nên quan trọng trong quá trình nghiên cứu cổ phiếu. Các nhà đầu tư cần hiểu mỗi dịch vụ/sản phẩm có ảnh hưởng như thế nào đến công ty về mặt chi phí, doanh thu và tiềm năng tương lai.

5. Báo cáo tài chính

Các công ty giao dịch đại chúng công bố báo cáo tài chính và các báo cáo này cung cấp một cái nhìn tổng quan về mặt định lượng của công ty. Báo cáo tài chính cho biết về tình hình tài chính và hiệu suất của công ty. Dựa trên những báo cáo này, các nhà đầu tư có thể xác định các dấu hiệu/rủi ro tiềm ẩn trong công ty, năng lực của ban lãnh đạo, khả năng quản lý nợ và các nguồn thu nhập.

Báo cáo tài chính mới được công bố không phải là tài liệu quan trọng duy nhất cần xem xét. Dữ liệu tài chính trước kia cũng giúp các nhà đầu tư biết thêm về nguồn gốc của một công ty và cách nó phản ứng trong các điều kiện thị trường trước đây. Phân tích cơ bản liên quan đến các kỹ thuật phức tạp và cần hiểu biết thấu đáo về các báo cáo tài chính, các công thức tính toán và thị trường tài chính.

6. Phân tích đối thủ và ngành

Nhiều công ty có các đối thủ cạnh tranh trực tiếp – những công ty này có các mô hình kinh doanh giống/tương tự họ. Do đó, các nhà đầu tư nên so sánh và phân tích cổ phiếu của những đối thủ cạnh tranh này để tìm ra sự khác biệt của cổ phiếu mà họ đang phân tích, cũng như tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư tiềm năng.

Hãy làm tương tự đối với toàn ngành. Thông thường, có những thời điểm mà một công ty có hiệu suất tốt hơn/tệ hơn so với toàn ngành và so với từng đối thủ cạnh tranh trong ngành. Hãy tìm hiểu lý do tại sao những mô hình có vẻ khó hiểu này có thể xảy ra, từ đó mở rộng hiểu biết về cách một cổ phiếu hoặc ngành hoạt động trong những điều kiện nhất định.

Phân tích đối thủ cạnh tranh và ngành rõ ràng là điều cần làm khi nghiên cứu cổ phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư thận trọng có thể phân tích cả những thị trường khác nữa. Ví dụ: Royal Dutch Shell Plc có thể thực hiện phân tích đối thủ cạnh tranh đối với một công ty như BP Plc. Tuy nhiên, có thể thực hiện một so sánh giữa giá cổ phiếu của những công ty này với giá dầu cơ sở. Dầu có mối liên hệ mật thiết với mô hình kinh doanh của các công ty này. Do đó, hãy nhìn ra bên ngoài phạm vi thị trường chứng khoán có thể khám phá ra một số thông tin hữu ích.

7. Theo dõi các chuyên gia trong ngành

Một cách tuyệt vời để đào sâu hơn nữa khi nghiên cứu về cổ phiếu là theo dõi các chuyên gia trong ngành, chẳng hạn như các nhà phân tích cổ phiếu được đánh giá cao. Họ thường có những nghiên cứu chuyên sâu về chứng khoán, đó có thể là cơ sở để so sánh với phân tích của chính bạn. Bằng cách này, bạn sẽ học hỏi được thêm các công cụ phân tích cổ phiếu từ họ. Bạn cũng có thể biết được họ dự vào những cơ sở nào để ra quyết định đầu tư.

8. Nền tảng và thiết bị đầu cuối phục vụ nghiên cứu

Các nền tảng và thiết bị đầu cuối phục vụ nghiên cứu như Bloomberg có thể cung cấp thêm cho các nhà đầu tư/nhà phân tích rất nhiều công cụ và kỹ thuật phân tích. Nhờ đó, hiệu quả cũng như việc tiếp cận với nhiều thị trường tài chính và chứng khoán khác cũng được cải thiện, bổ trợ cho việc so sánh, phân tích cổ phiếu.

Các công cụ định lượng cũng khả dụng trên các nền tảng này, chúng giúp tạo ra những phân tích phức tạp hơn. Chi phí tiếp cận những nền tảng này có thể khá đắt đỏ, vì vậy trước khi bỏ tiền vào một nền tảng nào, nhà đầu tư nên cân nhắc yếu tố chi phí so với lợi ích kỳ vọng. 

9. Các loại lệnh chứng khoán

Sau khi hoàn tất nghiên cứu, nhà đầu tư sẽ cần đặt lệnh mua cổ phiếu. Nắm bắt được cơ chế hoạt động của các loại lệnh, nhà đầu tư sẽ có thể tập trung hơn vào việc thực hiện các chiến lược của mình.

Tính thanh khoản cũng có thể ảnh hưởng đến chênh lệch và định giá cổ phiếu. Tính thanh khoản của thị trường chứng khoán là sự dễ dàng mà cổ phiếu của công ty có thể được mua và đứng vững mà không gặp phải biến động giá lớn. Các công ty lớn có tính thanh khoản cao như Apple Inc thường sẽ có chênh lệch hẹp hơn và lượng cổ phiếu lớn hơn để mua/bán ở một mức giá nhất định.

10. Phí môi giới

Một phần quan trọng nhưng thường bị bỏ qua trong quá trình đầu tư chứng khoán là phí môi giới hoặc hoa hồng. Mỗi nhà môi giới áp một mức phí riêng, do đó các nhà đầu tư nên tìm hiểu trước để tránh bỡ ngỡ. Thông tin về phí môi giới có thể được cung cấp trên trang web của nhà môi giới và nó phải minh bạch.

Cách nghiên cứu cổ phiếu: Kết luận

Các nhà đầu tư chỉ nên mua cổ phiếu sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, có tính đến càng nhiều biến số càng tốt. Có thể sẽ mất nhiều giờ để nghiên cứu cổ phiếu, nhưng chỉ như vậy bạn mới có thể đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt. Hãy ghi nhớ các bước nêu trên để có một quy trình nghiên cứu cổ phiếu bài bản và nhớ thực hiện các bước quản lý danh mục đầu tư sao cho phù hợp.

Thu Trang - Theo dailyfx.com

 

Bài viết liên quan

Cùng chủ đề

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.