Các ông lớn công nghệ đã tiếp tục thống trị năm 2021 - năm 2022 thì sao?

Các công ty công nghệ vốn hóa siêu lớn vẫn tiếp tục chiếm lĩnh nhiều tựa đề tin tức trong năm 2021.

Các ông lớn công nghệ đã tiếp tục thống trị năm 2021 - năm 2022 thì sao?
Vtrade_Admin

04:17, 30/12/2021

509

VIEW

Các công ty công nghệ vốn hóa siêu lớn vẫn tiếp tục chiếm lĩnh nhiều tựa đề tin tức trong năm 2021.

 

Mặc dù các cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn đã tiếp tục gia tăng tầm quan trọng của mình trong các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ, những ông lớn với vốn hóa thị trường khổng lồ này đã có hiệu suất rất khác nhau trong năm 2021 — và triển vọng của họ cũng thay đổi đáng kể khi bước vào năm 2022.

Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng xem xét kỹ hơn, theo thứ tự quy mô từ lớn đến nhỏ, tám cổ phiếu công nghệ có vốn hóa thị trường hơn 500 tỷ USD.

TraderHub

Apple

Apple (NASDAQ:AAPL) vẫn đang là công ty lớn nhất thế giới, với vốn hóa thị trường gần 3 nghìn tỷ USD. Với tăng trưởng khoảng 36% từ đầu năm đến nay, Apple đã đè bẹp lợi nhuận 27% của S&P 500 và 23% của Nasdaq Composite.

Phần lớn hiệu suất của cổ phiếu Apple tập trung vào Q4 — cổ phiếu đã tăng 27% kể từ cuối tháng 10, giai đoạn mà S&P 500 có mức tăng khiêm tốn hơn, chỉ 11%. Một số yếu tố có vẻ đã góp phần tạo nên sức mạnh của cổ phiếu: Apple tiếp tục báo cáo tăng trưởng mạnh mẽ trên tất cả các danh mục sản phẩm iPhone, Mac, iPad, thiết bị đeo và dịch vụ, đồng thời tích cực mua lại cổ phiếu của chính mình. Và năm 2022 đang được định hình là một năm quan trọng khác đối với các sản phẩm mới của Apple. Dư luận đang ngày càng xôn xao về sự ra mắt tiềm năng của một chiếc tai nghe dành cho các ứng dụng thực tế ảo và thực tế tăng cường.

Tăng trưởng của năm nay đã nối tiếp mức tăng 82% vào năm ngoái và 89% vào năm 2019, có nghĩa là cổ phiếu đã tăng 365% trong ba năm qua. Trừ khi doanh số iPhone giảm mạnh, nếu không, chuỗi tăng trưởng này sẽ được tiếp tục vào năm 2022.

 

Microsoft

Microsoft (NASDAQ:MSFT) đã có một năm tuyệt vời, với cổ phiếu tăng 54% tính từ đầu năm đến nay, đưa vốn hóa thị trường của công ty lên mức 2,56 nghìn tỷ USD. Công ty phần mềm lớn nhất thế giới đang tạo ra mức tăng trưởng quy mô đáng kinh ngạc, với doanh thu tăng 22% trong quý gần nhất. Nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ của Microsoft là nhu cầu liên tục đối với điện toán đám mây — mảng kinh doanh Azure của công ty đã mở rộng 50% trong quý tháng 9.

Trong khi đó, Microsoft cũng đang nhận thấy sức mạnh trong nhu cầu đối với Office, Windows, Xbox và các bộ phận kinh doanh khác của mình. Với chi tiêu của các doanh nghiệp có khả năng tăng nhanh vào năm 2022, dường như không có lý do gì để nghĩ rằng mức tăng trưởng ấn tượng của Microsoft sẽ chậm lại trong năm tới.

 

Alphabet

Cổ phiếu Alphabet (NASDAQ:GOOGL) đã tăng 68% từ đầu năm 2021 đến nay, giúp vốn hóa thị trường của công ty leo lên mức 2 nghìn tỷ USD. Động lực đơn giản cho tăng trưởng của công ty là nhu cầu quảng cáo trực tuyến không hề giảm — và đơn vị Google của Alphabet đã tránh được phần lớn nỗi đau do Apple gây ra cho một số doanh nghiệp hỗ trợ quảng cáo với thay đổi quy tắc bảo mật khiến việc theo dõi hành vi của khách hàng trên iPhone trở nên khó khăn hơn. Hoạt động quảng cáo trên công cụ tìm kiếm không phụ thuộc vào khả năng này như quảng cáo hiển thị hình ảnh để xác định ý định của người tiêu dùng — và có vẻ như một số chi tiêu quảng cáo đang chuyển từ mạng xã hội sang quảng cáo dựa trên tìm kiếm. Hoạt động kinh doanh YouTube của công ty cũng tăng trưởng mạnh mẽ.

Nếu không có bất kỳ thách thức pháp lý mới nào, có vẻ như Alphabet sẽ tiếp tục tạo ra tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022 — ước tính đồng thuận của Phố Wall dự kiến mức tăng trưởng 17%.

 

Amazon

Amazon.com (NASDAQ:AMZN) là kẻ tụt hậu rõ ràng trong số các cổ phiếu vốn hóa siêu lớn, với mức tăng từ đầu năm đến nay chỉ 5%, khiến cổ phiếu duy trì quanh mức định giá 1,74 tỷ USD. Cổ phiếu thương mại điện tử này đang có hiệu suất giống như một cổ phiếu “lưu trú tại nhà” không được ưa chuộng — tăng trưởng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử cốt lõi của công ty đã chậm lại khi một số người mua sắm bắt đầu mạo hiểm đi đến các cửa hàng vật lý để mua một số mặt hàng. Tuy nhiên, các thành phần khác trong hoạt động kinh doanh của Amazon vẫn mạnh mẽ, bao gồm hoạt động kinh doanh điện toán đám mây Amazon Web Services, logistics và quảng cáo. Các nhà đầu tư cũng đã tính đến quyết định của người sáng lập Jeff Bezos khi ông từ chức CEO và bổ nhiệm cựu giám đốc AWS Andy Jassy vào chiếc ghế điều hành công ty.

Một ẩn số khác: Chủ tịch mới của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) Lina Khan có một bề dày thành tích với tư cách là một người phê bình chống lại Amazon. FTC vẫn chưa đưa ra phán quyết về thương vụ mua lại hãng phim MGM đang chờ xử lý của công ty — cũng như chưa phản hồi đề nghị của Amazon yêu cầu Khan kiềm chế bản thân trong tất cả các vấn đề của Amazon dựa trên các bài viết trước đây của bà về công ty. Bất chấp tất cả những điều đó, sau một năm mờ nhạt, cổ phiếu Amazon vẫn có thể là cổ phiếu hấp dẫn nhất trong số các ông lớn công nghệ trong năm 2022.

 

Tesla

Tesla (NASDAQ:TSLA) đã trở lại câu lạc bộ vốn hóa thị trường nghìn tỷ đô với mức tăng 57% trong năm 2021, tất cả đều được tạo ra trong nửa cuối năm, đặc biệt là mức tăng 16% kể từ ngày 21 tháng 12. Người sáng lập kiêm CEO Elon Musk có vẻ đã hoàn thành đợt bán cổ phiếu của mình trong thời gian gần đây và các chuyên gia Phố Wall đã tăng cả giá mục tiêu và ước tính thu nhập của họ dành cho hãng xe điện. Chuyên gia Dan Ives của Wedbush, người đặt mục tiêu 1.400 USD cho cổ phiếu — tương đương với tiềm năng tăng trưởng hơn 30% — cho rằng mấu chốt có thể là nhu cầu ở Trung Quốc.

 

Meta Platforms

Meta Platforms (NASDAQ:FB) đã tăng 22% trong năm nay, nâng vốn hóa thị trường của công ty lên mức 967 tỷ USD. Đây là một thành tích ấn tượng trong một năm mà công ty phải đối mặt với rất nhiều dư luận tiêu cực, đặc biệt là một loạt bài gay gắt trên The Wall Street Journal, có tên là “Facebook Files”, công bố các tài liệu bị rò rỉ làm dấy lên vô số câu hỏi về các tác động tiêu cực của các nền tảng của công ty. Trong khi đó, những nỗ lực của Apple nhằm ngăn chặn việc theo dõi hoạt động của người tiêu dùng trên iPhone đã làm ảnh hưởng đến khả năng nhắm mục tiêu quảng cáo của công ty trong cùng thời điểm áp lực pháp lý tiếp tục gia tăng.

Công ty cũng đã đổi tên và tung ra khoản đầu tư 10 tỷ USD để tập trung vào metaverse, một dự án táo bạo có thể không thành công trong nhiều năm hoặc thậm chí không bao giờ thành công. Vì tất cả những yếu tố đó, cổ phiếu Facebook hiện có định giá tương đối khiêm tốn so với các tên tuổi Big Tech khác. Với định giá này, Meta có vẻ là một lựa chọn hấp dẫn dành cho nhà đầu tư vào năm mới.

 

Có hai cổ phiếu chip bán dẫn đã chen chân và cuộc thảo luận vốn hóa siêu lớn

Cổ phiếu Nvidia (NASDAQ:NVDA) đã có một hiệu suất tuyệt vời, tăng 132% trong năm nay, nâng vốn hóa thị trường của công ty lên 750 tỷ USD. Từng được xem như một công ty chủ yếu là nhà cung cấp card đồ họa được các game thủ sử dụng, Nvidia hiện là nhà cung cấp thành phần chính cho các công ty điện toán đám mây — và có mặt trên hầu hết các xu hướng chính của thế giới bán dẫn, bao gồm khai thác tiền điện tử, trí tuệ nhân tạo và máy học, điện năng và xe tự hành, và thậm chí cả metaverse. Doanh thu trong quý gần nhất của công ty đã tăng đến 50% với sức mạnh đó. Một lưu ý đối với cổ phiếu Nvidia là cổ phiếu này đang giao dịch ở mức giá gấp 28 lần doanh thu ước tính cho năm hiện tại — một mức định giá thường được trao cho các cổ phiếu phần mềm đám mây hơn là các nhà sản xuất chip.

 

Và cổ phiếu cuối cùng là Taiwan Semiconductor (NASDAQ:TSM), một cổ phiếu đã hơi tụt hậu trong năm, chỉ tăng 12%, mặc dù nhu cầu tiêu thụ chip trên toàn cầu là rất lớn. Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới này, với vốn hóa thị trường 635 tỷ USD, đang xây dựng các cơ sở sản xuất mới trong nỗ lực bắt kịp nhu cầu. Các công ty xưởng đúc bên thứ ba khác như Samsung Electronics (005930.Korea) và GlobalFoundries (NASDAQ:GFS) cũng có các động thái tương tự. Và Intel (NASDAQ:INTC) cũng đang tiến vào thị trường xưởng đúc theo hợp đồng này. Một vấn đề đối với cổ phiếu TSMC là địa chính trị: Căng thẳng đang gia tăng giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Bất kỳ động thái quân sự nào của Trung Quốc đối với Đài Loan đều có thể làm gián đoạn hoạt động của nhà sản xuất chip — một yếu tố rủi ro không chỉ đối với TSMC mà còn đối với cả lĩnh vực công nghệ nói chung.

 

Huân Hà - Theo barrons.com

Đọc thêm: Dầu thô hướng tới tuần tăng điểm cuối

 

Bài viết liên quan

Cùng chủ đề

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.