Đăng kíĐăng Nhập

Đòn bẩy tài chính là gì? Có nên sử dụng đòn bẩy tài chính không?

Pinkytrader

04:13, 18/08/2021

894

VIEW

Nội Dung

 

Đòn bẩy tài chính là một khái niệm rất quen thuộc trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp và cả những hoạt động đầu tư của cá nhân trên các thị trường tài chính. Tìm hiểu về đòn bẩy tài chính cũng là cách để nhà đầu tư sử dụng vốn của mình một hiệu quả và an toàn hơn.

Đòn bẩy tài chính là gì?

Nói một cách đơn giản và dễ hiểu nhất thì đòn bẩy tài chính là một công cụ giúp cho doanh nghiệp hay một cá nhân tăng số vốn hiện có của mình lên nhiều lần bằng việc vay nợ.

Tùy vào mỗi chủ thể, mỗi lĩnh vực đầu tư mà khái niệm đòn bẩy tài chính sẽ khác nhau, nhưng cốt lõi vẫn là việc sử dụng thêm nợ để tài trợ cho các hoạt động đầu tư.

Trong doanh nghiệp, đòn bẩy tài chính thể hiện tỷ lệ sử dụng vốn vay trong tổng nguồn vốn nhằm gia tăng tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) hoặc thu nhập trên cổ phần thường (EPS). Đòn bẩy tài chính cao khi tỷ trọng nợ vay lớn hơn tỷ trọng vốn chủ sở hữu trong tổng nguồn vốn, ngược lại khi tỷ trọng nợ vay thấp hơn tỷ trọng vốn chủ sở hữu thì ta nói doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính thấp. Một doanh nghiệp không sử dụng đòn bẩy tài chính khi doanh nghiệp đó không đi vay mà chỉ sử dụng vốn chủ sở hữu cho các hoạt động kinh doanh của mình.

Trong lĩnh vực bất động sản, một nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính khi ông ta vay nợ từ ngân hàng cùng với một số vốn ít ỏi của mình để mua nhà hoặc đất. Đây là một thị trường mà đến 90% các hoạt động đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính do giá trị của bất động sản rất lớn, trừ khi các bạn là những đại gia thứ thiệt nếu không, với số vốn vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu thì cũng phải mất đến vài năm nữa mới đủ tiền để mua được một căn nhà hay mảnh đất.

Trên thị trường forex, sử dụng đòn bẩy tài chính là khi nhà đầu tư vay nợ từ nhà môi giới để giao dịch với khối lượng lớn hơn so với số tiền trong tài khoản hiện có nhằm tối đa hóa lợi nhuận trên một số vốn nhỏ.

Tại sao lại sử dụng đòn bẩy tài chính?

Để giải thích lý do mà các doanh nghiệp hay nhà đầu tư cá nhân sử dụng đòn bẩy tài chính trong hoạt động kinh doanh và đầu tư của mình thì các bạn có thể hình dung như sau:

Các bạn đang có một ý tưởng kinh doanh tốt mà bạn cho rằng nó sẽ là xu hướng mới trong tương lai hoặc bạn đang muốn đầu tư vào một tài sản với số vốn vài trăm triệu (đầu tư vào cổ phiếu chẳng hạn) nhưng trong túi chỉ có vài chục triệu. Lúc này, nếu không đi vay tiền từ người thân, bạn bè hoặc ngân hàng thì phải đợi thêm một thời gian dài nữa các bạn mới có thể kiếm đủ số vốn đó và trong thời gian bạn tích lũy thêm vốn thì ý tưởng của bạn đã được người khác thực hiện hoặc thậm chí đã trở nên lỗi thời; tài sản mà bạn muốn đầu tư tăng giá cao ngất ngưỡng, các bạn đã bỏ lỡ cơ hội kiếm được rất nhiều lợi nhuận chỉ vì không muốn “mắc nợ”.

Vậy thì các bạn đã hiểu được phần nào lý do vì sao doanh nghiệp và nhà đầu tư lại sử dụng đòn bẩy tài chính. Chúng ta sẽ cùng phân tích rõ hơn ở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động đầu tư của trader trên thị trường forex.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình, doanh nghiệp thường sử dụng đòn bẩy tài chính (thông qua vay nợ ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu) nhằm bồi đắp sự thiếu hụt trong nguồn vốn khi vốn chủ sở hữu không đủ để tài trợ toàn bộ chi phí cho hoạt động sản xuất, mặt khác, sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ làm tăng tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) hoặc thu nhập trên cổ phần thường (EPS), đây là 2 chỉ số tài chính quan trọng của một doanh nghiệp.

ROE = Lợi nhuận sau thuế/Vốn chủ sở hữu. Chỉ số này cho biết một đồng vốn sẽ tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận. ROE càng cao thì càng chứng tỏ khả năng sử dụng vốn tốt của doanh nghiệp đó.

EPS = Lợi nhuận sau thuế/Tổng số cổ phiếu thường đang lưu hành. Chỉ số này cho biết thu nhập trên một cổ phiếu thường mà nhà đầu tư nhận được hàng năm khi nắm giữa cổ phiếu đó. EPS càng cao thì chứng tỏ doanh nghiệp kinh doanh càng hiệu quả và cổ phiếu của công ty sẽ càng hấp dẫn nhà đầu tư.

Để tìm hiểu thêm về ROE và EPS cũng như mối quan hệ giữa đòn bẩy tài chính và 2 chỉ số này, các bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu khác về tài chính doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đòn bẩy tài chính được xem là “lá chắn thuế” của doanh nghiệp vì khi vay nợ, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải trả lãi vay mà lãi vay được tính vào chi phí hợp lý, chính vì thế lãi vay sẽ được tính trừ vào thu nhập chịu thuế, thuế TNDN sẽ ít đi và lợi nhuận gia tăng.

 

Ví dụ: doanh nghiệp đang có kế hoạch kinh doanh với tổng nguồn vốn cho kế hoạch này là 30 tỷ đồng. ( 30,000 triệu đồng) và có 3 phương án huy động vốn như sau:

  • Phương án 1: không sử dụng đòn bẩy tài chính, tài trợ hoàn toàn bằng vốn chủ sở hữu thông qua việc phát hành 1 triệu cổ phiếu phổ thông.
  • Phương án 2: vay ngân hàng 15,000 triệu đồng (15 tỷ) với lãi suất 15%/năm và sử dụng 15 tỷ vốn chủ sở hữu (phát hành 500,000 cổ phiếu phổ thông).
  • Phương án 3: vay ngân hàng 21,000 triệu đồng với lãi suất 15%/năm và sử dụng 9,000 triệu đồng vốn chủ sở hữu (phát hành 300,000 cổ phiếu phổ thông).

Giả sử doanh nghiệp kinh doanh tốt và đạt được EBIT (Lợi nhuận trước thuế và lãi vay) là 8 tỷ (8,000 triệu đồng)

Mối quan hệ giữa đòn bẩy tài chính với tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) và thu nhập trên cổ phần thường (EPS) sẽ được thể hiện trong bảng dưới: (Đơn vị: triệu đồng)

Kết quả bảng trên cho thấy, sử dụng đòn bẩy càng cao thì ROE và EPS càng lớn.

Hoạt động đầu tư trên thị trường forex

Trên thị trường forex, đòn bẩy tài chính thường được gọi đơn giản là đòn bẩy, công cụ này giúp nhà đầu tư mở với các vị thế có giá trị lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền hiện có trong tài khoản.

Đầu tư trên thị trường forex thông qua Hợp đồng chênh lệch CFDs, nghĩa là đầu tư vào tài sản dựa trên sự biến động trong giá cả của tài sản đó mà không cần phải nắm giữ chúng. Tìm hiểu CFDs là gì?.

Sự biến động giá của các tài sản trên thị trường này mỗi ngày là rất thấp, được tính bằng số pip và giá trị của pip là rất nhỏ. Nếu không giao dịch với khối lượng lớn thì lợi nhuận mang về rất ít mà giao dịch với khối lượng lớn thì phải có nhiều tiền, nhưng không phải trader nào cũng giàu có và đó chính là lý do của việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong đầu tư forex.

 

Ví dụ: các bạn có 1,000$ trong tài khoản giao dịch. Nếu không sử dụng đòn bẩy, với số tiền này, các bạn chỉ có thể mua được 0.01 lots cặp USD/JPY. Giả sử giao dịch này các bạn thắng 30 pips, tỷ giá lúc đóng lệnh là 109.003. Lợi nhuận thu được sẽ là 1,000 x 30 x (0.01/109.003) = 2.75$. Với số vốn 1,000$ mà lợi nhuận chỉ được 2.75$ (tỷ suất sinh lợi 0.275%), quá thấp.

Để thu được nhiều lợi nhuận hơn, các bạn phải bỏ ra nhiều vốn hơn. Nếu mua 10 lots thì số vốn cần có là 1,000,000$ và lợi nhuận sẽ là 2,750$, lợi nhuận tăng lên nhưng tỷ suất sinh lợi vẫn chỉ 0.275%. Tuy nhiên, không phải trader nào cũng có được số vốn đó và nếu không có đòn bẩy, nhà đầu tư nhỏ, ít vốn sẽ không thể tham gia vào thị trường này.

Cũng ví dụ trên, nhưng lúc này, các bạn sử dụng đòn bẩy 1:200. Với 1,000$, các bạn có thể giao dịch cặp USD/JPY vớ khối lượng lên đến 2 lots. Lợi nhuận thu được sẽ là 550$, tỷ suất sinh lợi lúc này sẽ là 55%.

Nếu sử dụng tỷ lệ đòn bẩy 1:500 thì sẽ mua được 5 lots cặp USD/JPY. Lợi nhuận thu được sẽ là 1.375$, tỷ suất sinh lợi 137.5%.

Tính 2 mặt của đòn bẩy tài chính

Đòn bẩy tài chính được ví như một con dao hai lưỡi bởi nó có thể giúp doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư tối đa hóa lợi nhuận nhưng cũng có thể khiến họ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất nếu đầu tư không hiệu quả.

Lấy lại ví dụ về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở phần trên, giả sử doanh nghiệp chọn phương án huy động vốn thứ 3, sử dụng 70% nợ vay nhưng doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, EBIT sau một năm chỉ đạt được 2,000 triệu đồng. Trong khi lãi vay đến 3,150 triệu đồng, nghĩa là doanh nghiệp không thể trả được lãi vay, lợi nhuận sau cùng bị âm. Điều này sẽ làm cho giá cổ phiếu của doanh nghiệp bị tụt dốc, không thể huy động vốn dựa vào việc phát hành cổ phiếu, đồng thời không thể vay thêm từ ngân hàng, cộng với khoản nợ chưa thể trả khiến cho doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Trên thị trường forex, hiện nay, hầu như đa số các nhà môi giới đều hỗ trợ tính năng bảo vệ số dư âm cho nhà đầu tư cùng với các lệnh gọi ký quỹ (Margin call) sẽ giúp cho nhà đầu tư không bị âm tài khoản, nghĩa là không nợ lại sàn forex. Tuy nhiên, sử dụng một tỷ lệ đòn bẩy cao sẽ khiến cho tài khoản của nhà đầu tư “bốc hơi” nhanh hơn nếu giao dịch thất bại.

Cùng quay trở lại với ví dụ về hoạt động đầu tư trên thị trường forex ở phần trên. Giả sử các bạn giao dịch thua lỗ 30 pips. Nếu không sử dụng đòn bẩy, các bạn chỉ mất 2.75$, tài khoản vẫn còn đến 997.25$, sử dụng đòn bẩy 1:200, các bạn mất 550$, số tiền trong tài khoản lúc này chỉ còn 450$ nhưng nếu sử dụng đòn bẩy đến 1:500 thì sẽ chẳng còn đồng nào trong tài khoản cả.

Chính vì thế, đòn bẩy tài chính sẽ phát huy hết tác dụng của nó nếu sử dụng một cách hợp lý. Không nên lạm dụng quá mức vì rủi ro từ đòn bẩy rất lớn, đặc biệt trong các thị trường tài chính nhiều biến động như chứng khoán, forex hay tiền điện tử.

 

Có nên sử dụng đòn bẩy tài chính không?

Câu trả lời chắc chắn là có. Vì nếu không sử dụng đòn bẩy tài chính, doanh nghiệp sẽ không thể thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh vì thiếu vốn hoặc sử dụng đòn bẩy để tăng tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu hoặc thu nhập trên vốn cổ phần…

Nếu không sử dụng đòn bẩy tài chính, nhà đầu tư nhỏ, ít vốn sẽ không có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trên các thị trường tiềm năng như forex, chứng khoán hay bất động sản. Nhà đầu tư lớn, giàu có sẽ không mấy hứng thú với thị trường forex khi mà tỷ suất sinh lợi trên vốn rất thấp nếu không sử dụng đòn bẩy…

Tuy nhiên…

Như đã nói, đòn bẩy có tính 2 mặt, chính vì thế doanh nghiệp hay nhà đầu tư phải cân nhắc thật kỹ khi sử dụng công cụ này.

Đối với những nhà đầu tư mới trên thị trường forex, chỉ nên sử dụng đòn bẩy thấp, 1:100 sẽ là một tỷ lệ tối đa hợp lý và an toàn nhất dành cho các bạn. Sau này, khi đã có nhiều kinh nghiệm và tích lũy được nhiều kiến thức hơn, khi đã tự tin trước những biến động của thị trường, các bạn có thể tăng dần đòn bẩy lên để đạt được lợi nhuận tối đa vẫn chưa muộn.

Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu hơn về khái niệm đòn bẩy tài chính trong doanh nghiệp, trong các thị trường khác như bất động sản hay forex…và quan trọng hơn là hiểu được bản chất “2 mặt” của nó để sử dụng một cách hợp lý nhất cho các hoạt động đầu tư của mình.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.

Theo kienthucforex.com

 

Bài viết liên quan


Bài hot nhất

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.