Đăng kíĐăng Nhập

Cái Giá “Đắt Đỏ” Mà Châu Âu Phải Trả Khi Muốn Ngừng Phụ Thuộc Vào Năng Lượng Nga

Trần Minh

14:27, 04/04/2022

217

VIEW

EU nhập khẩu khoảng 155 tỷ mét khối khí đốt từ Nga trong năm ngoái, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Sau căng thẳng Nga – Ukraine, khối này muốn giảm 2/3 mức độ phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.


Tham vọng của châu Âu trong việc cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga về nguồn cung năng lượng hiện đang đương đầu với vô vàn thách thức và thiệt hại hàng tỷ USD chi phí bổ sung khi mà căng thẳng giữa Nga – Ukraine khiến cho các nguyên liệu như thép, đồng, và nhôm trở nên ngày một khan hiếm và đắt đỏ.

 

Theo Bloomberg, nỗ lực thay thế nhiên liệu hóa thạch của Nga đang khiến cho châu Âu phải dồn sự tập trung vào tăng cường nguồn cung khí đốt trong ngắn hạn cũng như gia tăng khai thác các nguồn năng lượng từ nhiên liệu phái sinh trước năm 2030.

Đức cam kết xây dựng 2 khu vực sản xuất khí đốt, Pháp muốn nối lại các cuộc đối thoại với Tây Ban Nha về hệ thống đường ống còn Anh muốn phát triển nguồn năng lượng gió, mặt trời và hạt nhân.

 

Tuy nhiên, giá của các loại nguyên liệu cần thiết vẫn không ngừng tăng. Theo thống kê của chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index, giá thép, đồng và nhôm đều lập kỷ lục trong vòng 12 tháng qua. Còn chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index tăng đến 46% trong khoảng thời gian trên.

Việc giá các loại hàng hóa tăng mạnh đe dọa sẽ cản trở những nỗ lực của châu Âu trong việc tăng gấp 3 lần năng lực sản xuất năng lượng gió và mặt trời trong thập kỷ hiện tại, việc châu Âu muốn phát triển cơ sở khai thác các loại năng lượng tái sinh cũng cần đến ít nhất 52 triệu tấn thép.

 

Giám đốc điều hành quỹ SIF Holding NV, ông Fred van Beers, nhận xét: “Căng thẳng Nga – Ukraine có thể gây ra tác động lên tất cả các doanh nghiệp trong đó có cả chúng ta khi mà chúng ta đang nỗ lực có các khoản đầu tư lớn”. SIF Holding NV là doanh nghiệp chuyên cung cấp nền tảng cho các tuabin gió.

 

Trước khi căng thẳng Nga – Ukraine bùng phát, giá khí đốt của Nga khá rẻ, dễ vận chuyển và có nguồn cung dồi dào. Các yếu tố này, kết hợp với việc sẽ khai trương hệ thống đường ống Nord Stream 2 nối đến Đức, đã khiến cho châu Âu giảm mạnh quy mô sản xuất năng lượng, bắt đầu đóng cửa các nhà máy than đá cũng như các lò phản ứng hạt nhân nhằm tập trung vào các nguồn năng lượng sạch.

 

EU nhập khẩu khoảng 155 tỷ mét khối khí đốt từ Nga trong năm ngoái, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Sau căng thẳng Nga – Ukraine, khối này muốn giảm 2/3 mức độ phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.

 

Ước tính khoảng 30 tỷ mét khối khí đốt có thể được thay thế bằng các nguồn khác, có thể là nhiên liệu tái sinh, hạt nhân hoặc nhiều thay đổi về thói quen tiêu dùng, IEA nhấn mạnh. Đối với EU, giá thị trường cho hạ tầng phát triển năng lực có thể cao hơn đến 20% so với trước căng thẳng, theo chuyên gia phân tích tại Bloomberg Intelligence – ông Grant Sporre.

 

“Quá trình phát triển hạ tầng năng lượng riêng đắt đỏ hơn so với tính toán của các chính phủ. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến tình trạng một số dự án bị trì hoãn khi mà giá vẫn duy trì ở ngưỡng cao”, ông Sporre phân tích.

 

Kế hoạch của EU bao gồm việc phát triển hạ tầng để sản xuất ước tính khoảng 290 gigawatts năng lượng gió và 250 gigawatts năng lượng mặt trời. Số tiền phải chi ra để mua thép ước tính đến 65 tỷ euro tương đương 72 tỷ USD tính theo giá trị thị trường hiện tại.

 

Nga và Ukraine thuộc nhóm những nước sản xuất thép tấm sử dụng trong hệ thống tuabin và đường ống khí đốt lớn nhất thế giới. Dù rằng có những nguồn thay thế, chi phí hiện nay đã tăng đến hơn 50% so với bình thường, theo tính toán của Rysted Energy AS.

 

Ngoài ra, việc chính quyền Trung Quốc quyết định đóng cửa trung tâm sản xuất thép Tangshan để ngăn đại dịch COVID-19 lây lan cũng khiến cho tình hình nguồn cung thép trở nên khó khăn hơn.

 

“Rõ ràng, toàn bộ chuỗi cung ứng các sản phẩm thép ở châu Âu đều đang đương đầu với tình trạng chi phí tăng cao”, phó chủ tịch quỹ Energy Metals tại Rystad – ông James Lay nói.

 

Đồng cũng là một loại nguyên liệu quan trọng, châu Âu cần đến khoảng 7,7 triệu tấn đồng nhằm thực hiện được mục tiêu xây dựng hạ tầng năng lượng tái sinh vào năm 2030, năm nay, giá đồng tăng quá cao khiến cho chi phí đội thêm đến 7,6 tỷ USD, theo Bank of America.

 

Theo Stockbiz

Bài viết liên quan


Bài hot nhất

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.