Đăng kíĐăng Nhập

Mô Thức Mới Cho Thị Trường Tài Chính – George Soros – PHẦN II: Khủng Hoảng Hiện Tại Và Sau Ðó – CHƯƠNG 8: Một Vài Khuyến Nghị Về Chính Sách

ktrader123@gmail.com

01:59, 01/09/2021

523

VIEW

Nội Dung

CHƯƠNG 8: Một Vài Khuyến Nghị Về Chính Sách


Vì nhiều lý do, sẽ là hấp tấp nếu tôi đưa ra những khuyến nghị chính sách chắc nịch. Trước hết, tôi tham gia quá sâu vào các thị trường tới nỗi khó có thể bỏ công suy nghĩ nghiêm túc về các khuyến nghị chính sách. Vở kịch đang bày ra hiện nay thật lôi cuốn, và tôi có rất nhiều thứ để được hay mất. Tôi sẽ phải tách mình ra khỏi thị trường để có thể nghĩ một cách khách quan hơn. Thứ hai, không thể trông chờ gì nhiều từ chính phủ hiện nay. Sẽ phải đợi những sáng kiến mới và quan trọng cho tới khi có một tổng thống mới, và chỉ một tổng thống của Ðảng Dân chủ mới có thể có hy vọng thay đổi được tình thế và dẫn dắt đất nước đi theo một hướng mới. Thứ ba, tình hình hiện rất nghiêm trọng và những sáng kiến chính sách mới cần phải được thảo luận thấu đáo. Tôi sẽ điểm qua suy nghĩ hiện thời của mình như những đề tài để thảo luận hơn là những kết luận chắc chắn.


Rõ ràng một ngành tài chính được thả cương và mất phương hướng đang tàn phá nền kinh tế. Cần phải kìm nó lại. Tạo tín dụng, về bản chất là một quá trình có tính phản hồi. Nó cần được điều tiết để ngăn ngừa những sự thái quá. Tuy nhiên chúng ta phải nhớ rằng, các nhà điều hành thị trường không chỉ là con người mà còn là những nhân viên của bộ máy hành chính quan liêu. Nhiệt tình điều tiết quá mức có thể cản trở nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế. Quay trở lại với những điều kiện môi trường giống thời sau thế chiến II sẽ là một sai lầm lớn. Việc sẵn có tín dụng sẽ tăng cường không chỉ năng suất mà còn cả tính linh hoạt và các cách tân. Không nên bó buộc việc tạo tín dụng trong một cái áo chật. Thế giới đầy những điều không chắc chắn, và các thị trường có thể điều chỉnh thích nghi với những hoàn cảnh đổi thay tốt hơn là các công chức hành chính. Cùng lúc đó, chúng ta phải nhận ra rằng, các thị trường không chỉ điều chỉnh một cách thụ động với các hoàn cảnh đổi thay mà còn đóng góp một cách chủ động vào việc hình thành diễn tiến của các sự kiện. Chính chúng có thể tạo nên những bất ổn định và sự không chắc chắn, và đó là lý do khiến ta đánh giá cao tính linh hoạt của chúng. Cần phải xem xét đến điều này trong quá trình hoạch định các chính sách vĩ mô. Phải trao cho các thị trường khả năng phát huy lớn nhất có thể tương thích với việc duy trì sự ổn định kinh tế.


Phần lớn những thái quá trong các thị trường tài chính là do các nhà điều hành chính sách đã không thực thi được việc kiểm soát đúng cách. Một số phương pháp và công cụ tài chính mới được đưa ra là đặt cơ sở trên những tiền đề sai. Chúng đã tự cho thấy là chúng không hề bền vững và do đó phải bị loại bỏ. Nhưng một số phương pháp hay công cụ khác lại giúp phân tán, phòng hộ rủi ro, và cần phải được bảo tồn. Các nhà điều tiết cần phải hiểu biết hơn về những phát kiến gần đây, và họ không được cho phép thực thi những cách làm mà họ chưa hiểu đầy đủ. Sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng việc quản lý rủi ro có thể được trao cho những người tham gia thị trường. Có những rủi ro mang tính hệ thống cần được quản lý bởi những cơ quan điều hành thị trường. Ðể làm được thế họ phải có đầy đủ thông tin. Những người tham dự, bao gồm cả những quỹ đầu tư phòng hộ và những quỹ đầu tư tài sản quốc gia, cùng các tổ chức không chịu sự điều tiết khác, phải cung cấp thông tin đó, ngay cả việc làm như vậy có phiền toái và tốn kém. So với cái giá của sụp đổ thì giá nào cũng thành vô nghĩa.


Rủi ro đạo đức đặt ra một vấn đề hóc búa, nhưng có thể giải quyết được. Hãy nhìn thẳng vào việc đó: khi hệ thống tài chính lâm nguy, giới chức trách buộc phải can thiệp. Dù muốn hay không, các tổ chức tham gia vào việc tạo tín dụng phải chấp nhận thực tế là họ đang được các tổ chức hữu trách bảo vệ. Do đó, họ phải trả giá cho sự bảo vệ ấy. Giới chức trách phải thực thi nhiều biện pháp đề phòng và kiểm soát hơn trong giai đoạn phình đại. Ðiều đó chắc chắn sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Những người trong giới kinh doanh sẽ không thích việc đó và sẽ vận động hành lang chống lại nó, nhưng tạo tín dụng phải là một hoạt động kinh doanh chịu sự điều tiết. Giới chức điều hành phải chịu trách nhiệm nếu như họ để cho vấn đề tuột khỏi tầm kiểm soát đến nỗi chính họ phải đi cứu một công ty. Trong những năm gần đây, các vấn đề quả là đã tuột khỏi tầm kiểm soát. Ngành tài chính đã được cho phép kiếm lợi quá đà và phình ra quá lớn.


Bài học quan trọng nhất học được từ cuộc khủng hoảng lần này là giới hữu trách về tiền tệ phải quan tâm đến không chỉ việc kiểm soát nguồn cung tiền mà cả việc tạo tín dụng. Chủ nghĩa trọng tiền là một học thuyết sai lầm. Tiền và tín dụng không đi song hành với nhau. Các giới chức tiền tệ phải biết quan tâm đến không chỉ lạm phát lương mà cả việc tránh để xảy ra những bong bóng tài sản. Giá tài sản không chỉ phụ thuộc vào độ sẵn tiền mà còn vào sự sẵn lòng cho vay. Các giới chức tiền tệ phải giám sát và xem xét tới không chỉ nguồn cung tiền mà cả các điều kiện tín dụng. Sẽ có người phản đối rằng đòi hỏi các giới chức tiền tệ phải kiểm soát giá tài sản là bắt họ phải thực thi quá nhiều nhiệm vụ. Việc phản đối đó sẽ là hợp lý nếu như nhiệm vụ của các giới chức giới chức tiền tệ chỉ giới hạn ở mức áp dụng máy móc một vài luật lệ nào đó. Nhưng công việc của họ phức tạp hơn thế. Họ tham gia vào một trò chơi vi tế, quản lý các kỳ vọng có sử dụng mọi thủ thuật liên quan đến việc thực thi chức năng thao túng. Ðó là một nghệ thuật không thể bị hạ bệ xuống thành một khoa học. Alan Greenspan là một bậc thầy về chức năng thao túng. Không may là ông đã đặt các kỹ năng của mình vào việc phụng sự cho mục đích sai lầm; ông đã quá tôn thờ chủ nghĩa thị trường chính thống.


Cả bong bóng nhà cửa lẫn siêu bong bóng đều có điểm đặc trưng là sử dụng thái quá tiền vay nợ. Việc này lại được ủng hộ bởi những mô hình quản lý rủi ro tinh vi chỉ tính tới những rủi ro đã biết nhưng lại bỏ qua những yếu tố không xác định hàm chứa trong tính phản hồi. Nếu không làm việc gì khác, chí ít các nhà điều tiết cũng phải đòi lại quyền kiểm soát việc sử dụng phép đòn bẩy nợ. Trước kia họ từng nắm quyền kiểm soát đó. Cổ phiếu giờ vẫn phải chịu yêu cầu tiền ký quỹ, nhưng những yêu cầu đó giờ phần lớn đã trở nên vô nghĩa vì có quá nhiều cách để đi vòng tránh chúng. Các chứng khoán thế chấp vay địa ốc và các công cụ tổng hợp khác chưa bao giờ phải chịu sự kiểm soát do chúng được đưa ra trong thời đại thống trị của chủ nghĩa thị trường chính thống. Kiểm soát đòn bẩy sẽ làm giảm cả quy mô lẫn lợi nhuận của ngành tài chính, nhưng đó là cái mà quyền lợi công đòi hỏi.


Có một biện pháp chuyên biệt có thể giúp giảm nhẹ cuộc khủng hoảng tín dụng là việc thiết lập một trung tâm hay sàn để giao dịch các khoản CDS. Vẫn còn đấy một lượng hợp đồng đáng giá bốn mươi lăm ngàn tỉ đô la chưa thanh lý, và những ai đang nắm giữ những hợp đồng đó không còn biết liệu đối tác của họ có bảo vệ được chính bản thân họ hay không. Nếu xảy ra chuyện vỡ nợ thì sẽ có nhiều khả năng là một số đối tác sẽ không thể thực hiện được đầy đủ bổn phận. Viễn cảnh đó treo lơ lửng trên đầu thị trường như một thanh gươm của Damocles, sẽ rơi xuống nhưng chưa rơi. Chắc hẳn điều đó đã đóng một vai trò trong quyết định của Fed không cho phép Bear Sterns sụp đổ. Sẽ có nhiều lợi ích trong việc thành lập một trung tâm hay sàn với một cơ cấu vốn đầy đặn hợp lý và các yêu cầu ký quỹ nghiêm khắc, và mọi hợp đồng hiện có hay sẽ có trong tương lai đều sẽ phải nộp vào chỗ đó. 


Phải làm gì với đống hỗn độn do việc vỡ bong bóng nhà cửa tạo ra? Những chính sách tài khóa và tiền tệ ngược chu kỳ mọi khi vẫn dùng thì lần này vẫn còn thích hợp, nhưng vì những lý do tôi đã nêu, hiệu quả của chúng không đủ mạnh. Cần có những biện pháp tăng thêm để kìm lại việc sụp đổ giá nhà và giảm bớt những đau đớn đi cùng với nó. Vì cả hai lý do đó, sẽ tốt hơn nếu để cho càng nhiều người giữ lại được nhà của họ càng tốt. Ðiều này áp dụng cho cả những người mang nợ dưới chuẩn và cả những người có giá trị nhà thấp hơn giá trị khoản nợ. Họ có thể được coi là những nạn nhân của bong bóng nhà cửa và xứng đáng được hưởng chút cứu trợ. Nhưng cứu trợ cho họ là một việc phức tạp vì giá trị mà các khoản nợ địa ốc kia có được là từ việc chúng có thể được bảo đảm thông qua việc tịch biên nhà. Ở hầu hết các nước khác, những người đi vay thường phải tự mình gánh trách nhiệm pháp lý, trong khi ở Hoa Kỳ, những người cho vay thường không còn cách nào khác ngoài cách tịch biên nhà. Mặt khác, tịch biên sẽ làm hạ giá nhà và làm tồi tệ hơn tình trạng đình trệ trên thị trường nhà. Việc đó rất tốn kém cho tất cả các bên liên quan và gây ra hiệu ứng tràn tiêu cực. Phải làm gì để cân bằng những so đo này? Ðây là một chủ đề mà tôi đã suy nghĩ chi tiết hơn so với các vấn đề khác mà tôi đã thảo luận, và tôi cũng đã lôi kéo quỹ của tôi (Viện Xã hội Mở) cùng tham gia vào. Sau đây là những phát hiện sơ lược của tôi.


Khoảng 40 phần trăm của 7 triệu khoản nợ dưới chuẩn chưa giải quyết sẽ bị vỡ nợ trong hai năm tới. Các khoản nợ với lãi suất sẽ điều chỉnh và các khoản nợ khác có lãi suất điều chỉnh được cũng sẽ mất khả năng chi trả với tỷ lệ ngang bằng mức 40 phần trăm nói trên nhưng trong một khoảng thời gian dài hơn. Ðiều này sẽ duy trì áp lực đẩy giá nhà xuống thấp. Giá cả có khả năng xuống dưới mức khuynh hướng dài hạn, trừ khi được dừng lại bởi sự can thiệp của chính phủ.


Sự khốn khổ của con người do cuộc khủng hoảng nhà cửa gây ra sẽ là vô cùng to lớn. Có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy người lớn tuổi đã bị lấy làm mục tiêu cho những cách cho vay độc ác nhất và tỷ lệ không trả được nợ của nhóm này cao hơn một cách bất cân đối so với tỷ lệ của họ trong dân số. Các cộng đồng dân da màu cũng bị ảnh hưởng một cách bất cân đối. Nếu biết rằng việc sở hữu nhà là một yếu tố then chốt trong việc gia tăng của cải và cơ hội ở Hoa Kỳ, thì những nhóm da mầu trẻ tuổi hướng thượng và năng động bị thiệt hại đặc biệt nặng. Họ đã trót tin vào lời hứa về một “xã hội chủ nhà” và tài sản của họ được tập trung vào sở hữu nhà cửa. Hạt Prince George, Maryland, là một thí dụ hàng đầu. Ðó là một trong những hạt đa số là người da đen thịnh vượng nhất trên toàn quốc, nhưng đó cũng chính là hạt có số vụ xiết nhà cao nhất Maryland. Số liệu về Maryland cho thấy 54 phần trăm chủ nhà người Mỹ gốc Phi có nợ dưới chuẩn, so với 47 phần trăm dân gốc Tây Ban Nha và 18 phần trăm dân da trắng.


Xiết nhà trả nợ làm giảm giá trị những căn nhà xung quanh, đẩy những chủ nhà khác phải bỏ nhà của mình vì khoản nợ đã vượt quá giá trị căn nhà. Cuối cùng, tình trạng xiết nhà tập trung làm mất ổn định toàn bộ các vùng lân cận và ảnh hưởng xấu đến cả những lĩnh vực khác, thí dụ như việc làm, giáo dục, sức khỏe, chăm sóc trẻ em. Tránh xiết nhà phải là trọng tâm hàng đầu của những biện pháp chính sách phụ trợ. Những kế sách đã được đưa ra thực hiện của chính quyền Bush chung qui chỉ là những động tác quan hệ công chúng. Một khi đã áp dụng hết mọi giới hạn, bạn sẽ còn lại chính xác là con số không.


Cả những biện pháp đặc thù lẫn hệ thống đều cần thiết. Về sự cần thiết phải có sự can thiệp mang tính hệ thống, tôi tin rằng Ðại diện đảng Dân chủ, Barney Frank, đang đi đúng đường, mặc dầu vì muốn đạt được sự ủng hộ lưỡng đảng nên ông ấy chưa đi đủ xa. Ông đã trình ra hai dự luật có thể đưa tới một cân bằng hợp lý giữa việc bảo vệ quyền tịch biên nhà và việc can ngăn thực thi quyền ấy. Ðầu tiên, ông sẽ chỉnh sửa luật phá sản theo cách làm sao để một thẩm phán tòa phá sản có thể sửa lại các điều khoản về nợ mua nhà cho nơi cư ngụ chính. Ðiều này sẽ gây áp lực lên người cho vay phải tự nguyện thay đổi điều khoản những khoản vay này nhằm tránh sự thay đổi cưỡng bức của tòa, hay còn gọi là bớt nợ. Phe Cộng hòa phản đối rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến quyền của người cho vay và do đó làm cho các khoản vay mua nhà trở nên đắt hơn trong tương lai. Nhưng dự luật mà Frank đưa ra chỉ áp dụng cho các khoản vay khởi đầu trong khoảng thời gian giữa tháng Giêng 2005 đến tháng Sáu 2007. Thêm nữa, luật phá sản hiện thời đã cho phép có những sự thay đổi về điều khoản của khoản vay nợ mua căn nhà thứ hai, và việc đó đã không làm tăng chi phí vay để mua loại nhà này.


Thứ hai, Frank sẽ trao quyền cho Cục Gia cư Liên bang (FHA) đứng ra bảo đảm để giúp những người vay tiền dưới chuẩn được đảo nợ sang những khoản vay lời thấp hơn, có thể trả được. Những chủ cho vay món nợ gốc sẽ được trả hết một lần bằng tiền thu được từ một món nợ mới do FHA bảo hiểm, nhưng không vượt quá 85% giá trị định giá hiện tại của căn nhà. Ðể bù đắp cho FHA vì đã đứng ra bảo lãnh, FHA sẽ giữ một khế ước nợ thứ hai của căn nhà. Khi người vay tiền bán nhà hoặc đảo nợ, nếu có lời họ sẽ trích từ lợi nhuận ra trả cho FHA khoản tiền nào lớn hơn trong số hai khoản (1) một phí đóng nợ tương đương với 3% khoản nợ gốc của FHA; hoặc (2) một tỷ lệ thấp dần xuống của bất kỳ món lời nào (thí dụ, 100% trong năm thứ nhất, tới 20% trong năm thứ 5 và 0% từ đó về sau). Sau 5 năm, chỉ còn áp dụng phí đóng nợ 3%.


Cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của dự luật này đều nằm ở tính tự nguyện của nó. Mặt tích cực là nó không vi phạm quyền tịch biên nhà. Mặt tiêu cực là nó chỉ được áp dụng cho một phân khúc khá hẹp của những khoản nợ địa ốc gặp rắc rối. Nó chỉ giới hạn ở những người đi vay có thu nhập ít nhất phải bằng hai lần rưỡi chi phí duy trì nợ. Cùng lúc đó, những người cho vay thế chấp phải sẵn lòng chấp nhận số tiền trả hết một lần là 85% giá trị căn nhà tính theo giá thị trường hiện tại, và không được hưởng lợi chút nào từ những khoản tăng giá nhà có thể có trong tương lai. Dự luật FHA của Frank có thể được thông qua thành luật dưới thời chính quyền Bush, nhưng ít có khả năng nó sẽ có ảnh hưởng tới cuộc khủng hoảng nhà cửa. Nó sẽ phải được mở rộng đáng kể trước khi có thể tạo ra một sự khác biệt có ý nghĩa. Việc điều chỉnh luật phá sản, ngược lại, có thể có ý nghĩa, nhưng nó lại bị chính quyền Bush phản đối.


Theo ngành cho vay thế chấp địa ốc, có một số cản trở về pháp lý và thực tiễn ngăn cản những công ty bảo trì nợ thay đổi điều khoản những món nợ dưới chuẩn hiện đang đối mặt với nguy cơ trễ hạn hay không trả được. Các công ty này lập luận rằng việc chứng khoán hóa các khoản vay mua nhà đã làm cho họ khó theo dõi từng món nợ đơn lẻ, và rằng “những thỏa thuận về gom nợ và duy trì nợ” làm giảm đáng kể sự linh hoạt của họ trong việc sửa đổi các điều khoản của khoản nợ. Nhưng cản trở chính là “cuộc chiến phân gói trái phiếu.” Trong cùng một món nợ vay, những gói trái phiếu khác nhau có những lợi ích cạnh tranh nhau – một gói có thể có quyền ưu tiên đối với phần nợ gốc, gói khác lại được ưu tiên với phần lãi. Các công ty duy trì nợ kháng cự lại việc sửa đổi điều khoản vay, chính vì không thể nào tránh được việc một gói sẽ chịu thiệt hại nặng hơn gói kia, mà các công ty này lại phải đồng thời chịu trách nhiệm với tất cả các gói đó.


Tuy nhiên, có một sự đồng thuận ngày càng lớn rằng những thỏa thuận gom và duy trì nợ cho phép linh hoạt hơn so với mức được thừa nhận trước đây. Bất chấp những vấn đề về chứng khoán hóa, công ty Moodys khẳng định rằng tỉ lệ của những món nợ có điều khoản sửa đổi đang trên đà gia tăng, nhưng vẫn chỉ chiếm 3,5% tổng số các các món nợ điều chỉnh 

lãi suất trong năm 2007. Sẽ phải quan tâm hơn đến việc định lượng và ghi chép lại những lợi ích của việc điều chỉnh điều khoản nợ nhằm thuyết phục người cho vay gây áp lực hơn nữa lên các công ty duy trì nợ của họ, để các công ty này chịu tham gia vào việc tìm ra giải pháp.


Tuy nhiên, thật không may là ngay cả với những cải cách rộng lớn thì nhiều chủ nhà vẫn sẽ không đủ khả năng ở lại trong nhà của mình. Các chính quyền sở tại sẽ cần phải chấp nhận thực tế là một tỷ lệ đáng kể chủ nhà sẽ mất nhà. Và do hầu hết những khoản cho vay vô nguyên tắc là tập trung vào những cộng đồng người da màu, về mặt tài chính cũng là những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, các chính quyền sở tại sẽ phải đối mặt với triển vọng đáng sợ là một lượng khổng lô những bất động sản gặp khó sẽ bị rao bán trên thị trường ở đúng những khu vực có ít khả năng hấp thụ cú sốc này nhất. Việc cần làm ở đây là phải đảm bảo rằng những bất động sản ấy không bị bỏ không hoặc rơi vào tay chủ nhà khiếm diện, và tốt nhất là làm sao chúng được chuyển giao cho những người mua có trách nhiệm sẽ đến ở và giữ gìn nhà cửa của họ.


Giúp các cộng đồng địa phương sẽ là một mảnh đất màu mỡ cho lòng từ thiện cá nhân. Các ngân khoản tương xứng do chính quyền liên bang hay tiểu bang đóng góp đối ứng có thể giúp tăng mạnh quy mô và ảnh hưởng của tinh thần từ thiện này. Quỹ của tôi đang tài trợ cho những sáng kiến địa phương ở thành phố New York và Maryland.


Ở New York, chúng tôi đã đề xướng lập ra Trung tâm cho các Vùng phụ cận New York, với ngân quỹ thu được từ chính quyền thành phố New York, các tổ chức từ thiện tư nhân và các tổ chức cho vay. Trung tâm này sẽ tăng cường và phối hợp những nỗ lực ngăn ngừa tịch biên nhà bao gồm các dịch vụ tư vấn và giới thiệu, trợ giúp pháp lý, giảm nợ, giáo dục và các hoạt động cộng đồng có tính ngăn ngừa. Nhiệm vụ hàng đầu của Trung tâm là giúp cho những người vay tiền được ở lại trong căn nhà của họ. Với những người không thể ở lại nhà mình, Trung tâm sẽ hỗ trợ việc chuyển giao hiệu quả bất động sản của họ sang cho những chủ nhà hoặc những tổ chức phi lợi nhuận có trách nhiệm để đảm bảo sự ổn định trong khu vực. Chúng tôi hy vọng mỗi năm Trung tâm sẽ giúp được khoảng mười tám ngàn người vay nợ. Trung tâm cho các Vùng phụ cận New York sẽ phục vụ như một nhà môi giới lương thiện, giúp hỗ trợ giao tiếp giữa những người vay tiền, những hãng duy trì nợ trực tiếp, và ngành cho vay tiền. Mặc dù thị trường nhà của New York chưa bị cuộc khủng hoảng hiện tại gây ảnh hưởng nặng nề nhất, tôi vẫn hy vọng giải pháp địa phương thí điểm ở New York sẽ được dùng như một kiểu mẫu cho các cộng đồng khác.


Nhiều nỗ lực khác cũng đang được tiến hành ở Maryland để giúp đỡ những chủ nhà đang hay sắp vỡ nợ. Hội Baltimore Homeownership Preservation Coalition (Liên minh Bảo vệ Quyền Sở hữu Nhà Baltimore) và một liên minh tương tự ở hạt Prince George đang cung cấp cho các chủ nhà gặp khó khăn một nơi để họ có thể đến tìm kiếm sự trợ giúp, một nơi đặt quyền lợi của họ lên hàng đầu. Hạn chế lớn nhất là thiếu những nhà tư vấn được đào tạo tốt. Chúng tôi có kế hoạch giúp đỡ nhiều kiểu đào tạo khác nhau, một vài kiểu trong số đó có khả năng sẽ nhận được sự trợ giúp của tiểu bang.


Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu xem có thể làm được gì khác nữa.

 

Theotradeboxx.net

Bài viết liên quan


Bài hot nhất

Vtradetop.com
Liên hệ
Mail

VTrade là 1 trong các diễn đàn Forex lớn và uy tín nhất tại Việt Nam. Cập nhật tin tức 24h nhanh nhất từ thị trường tài chính thế giới: tiền tệ, ngoại hối, chứng khoán phái sinh quốc tế, chứng khoán Mỹ, crypto, chỉ số kinh tế, ngân hàng trung ương, vàng và dầu. Ngoài ra Vtrade là một trang web đánh giá sàn Forex, sàn giao dịch tiền điện tử Việt Nam và quốc tế tốt nhất. Thông qua những bài đánh giá sàn này sẽ giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể trên con đường lựa chọn nơi đầu tư.

©2024 VTrade. All rights reserved.